Thế giới trong tuần

1. Liên hợp quốc kêu gọi mở rộng lệnh ngừng bắn nhân đạo tại Syria.

Các quan chức Liên hợp quốc ngày 1-3 cho rằng lệnh ngừng bắn nhân đạo 5 giờ mỗi ngày tại khu vực Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus của Syria, cần được mở rộng để tạo điều kiện cho việc phân phát hàng cứu trợ cho người dân và sơ tán y tế, và phải đảm bảo hoạt động này không liên quan đến việc trao đổi tù nhân. 

Trong 11 ngày qua, đã có hàng trăm người thiệt mạng trong hàng loạt vụ ném bom ở Đông Ghouta, khu vực cuối cùng nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy. Trước tình hình trên, trong cuộc họp hàng tuần tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 1-3, cố vấn của Liên hợp quốc về vấn đề nhân đạo Jan Egeland đã chỉ trích các nhà ngoại giao của 23 quốc gia tham dự cuộc họp đã không thể hỗ trợ các nhân viên của Liên hợp quốc giúp đỡ người dân Syria. Ông nhấn mạnh sự tôn trọng luật pháp quốc tế không tồn tại tại khu vực Đông Ghouta, nơi khoảng 400.000 người bị mắc kẹt đang cần được điều trị y tế. Trong khi đó, cho đến nay mới chỉ có một đoàn xe chở hàng cứu trợ được phép tiếp cận khu vực này hồi giữa tháng 2 vừa qua và chỉ đủ cung cấp cho 7.200 người. Ông Egeland cho rằng cần phải thiết lập hành lang nhân đạo “2 chiều”, với một số đoàn xe cứu trợ mỗi tuần đến Đông Ghouta, trong khi phải đảm bảo sơ tán 1.000 trường hợp cần được điều trị y tế khẩn cấp. Theo quan chức này, lệnh ngừng bắn 5 giờ/ngày của Nga không đủ để các tổ chức nhân đạo có thể phân phát hàng hàng cứu trợ cũng như sơ tán y tế cho người dân ở Đông Ghouta. 

Theo lời kêu gọi của Nga, ngày 27-2 là ngày đầu tiên áp dụng ngừng bắn 5 giờ mỗi ngày tại Đông Ghouta. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn đã bị phá vỡ bởi bạo lực khi Moskva và Damascus cáo buộc các nhóm vũ trang bắn phá hành lang nhân đạo. 

2. Nga sẵn sàng cải thiện quan hệ với EU.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 26-2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva, thảo luận thực trạng quan hệ song phương, cũng như mối quan hệ giữa Moskva với Liên aminh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tại cuộc hội đàm hai bên nhất trí cho rằng việc khôi phục quan hệ hợp tác giữa Nga và EU đáp ứng lợi ích của toàn lục địa châu Âu.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm, Ngoại trưởng Lavrov cho biết hai bên đã thảo luận những vấn đề then chốt trong quan hệ song phương và đi đến nhất trí mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có đối thoại chính trị và trao đổi liên nghị viện, cũng như hợp tác giữa bộ ngoại giao hai nước. Kim ngạch thương mại song phương đã có hai năm liên tiếp tăng trưởng, kết thúc năm 2017 đạt mức 1,5 tỷ USD. 

Đề cập đến quan hệ với EU, ông Lavrov nhấn mạnh Moskva đã thể hiện thiện chí sẵn sàng khôi phục tất cả các kênh đối thoại, hợp tác, những dự án cùng có lợi, vốn bị đóng băng sau mùa Xuân năm 2014, thời điểm Nga bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt với cáo buộc liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine, mà không đặt ra bất cứ điều kiện nào. Theo ông Lavrov, nhiều quốc gia thành viên EU đã hiểu được sự nguy hại thực trạng hiện nay trong quan hệ với Nga và bày tỏ mong muốn khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, Moskva sẽ không bao giờ tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào với EU hay các nước khác tham gia trừng phạt Nga về những điều kiện dỡ bỏ các biện pháp trừng. Ngoại trưởng Nga cũng lưu ý với người đồng cấp Bồ Đào Nha về hành động của NATO tăng cường hoạt động quân sự sát biên giới Nga. Moskva coi đây là những hành động thù địch và đang làm xói mòn nghiêm trọng ổn định chiến lược, niềm tin tại châu Âu và châu Âu Đại Tây Dương nói chung. 

Về phần mình, Ngoại trưởng Augusto Santos Silva nhấn mạnh Bồ Đào Nha là thành viên của EU, do đó cần giữ lập trường chung của toàn khối. Tuy nhiên, ông Silva cho rằng các bên nên tận dụng bất cứ cơ hội chính trị nào để đưa mối quan hệ thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay.

3. Cuộc đua triển khai thế hệ mạng di động 5G.

Những ngày qua, giới công nghệ và người tiêu dùng trên thế giới đã được thưởng thức một bức tranh về xu hướng công nghệ di động của tương lai thông qua Triển lãm di động thế giới (MWC) tổ chức tại Barcelona (Tây Ban Nha). Tại đây, công nghệ 5G đã được nhiều hãng công nghệ trên thế giới giới thiệu và công nghệ này đang được xem là xu hướng công nghệ di động tương lai của hệ thống thông tin quốc tế. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ 5G sẽ là một bước tiến quan trọng làm thay đổi lớn đời sống con người. Với nhiều ưu điểm vượt trội so với 4G, mạng 5G được kỳ vọng sẽ là cuộc cách mạng mới của thế giới di động. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là bắt đầu. 

Hiện trong cuộc đua triển khai thế hệ mạng di động 5G, Trung Quốc và Mỹ đang là những nước đầy tiềm năng ở thị trường mới này, trong khi Liên minh châu Âu (EU) lại đang bị tụt lại phía sau so với các nước châu Á và Bắc Mỹ. Mặc dù trong năm 2013, EU đã cam kết dành 700 triệu euro cho nghiên cứu công nghệ 5G để “đảm bảo vai trò đi đầu của châu Âu” trong các lĩnh vực viễn thông. Tuy nhiên, các quy định cứng nhắc của EU về cạnh tranh đã khiến các nhà cung cấp dịch vụ mạng chùn bước, chưa dám mở rộng mạng 5G.

CEO của Nokia, Rajeev Suri nhận định, Trung Quốc và Mỹ đang là những nước đầy tiềm năng. Trung Quốc hiện đang đi trước bằng cách xây dựng mạng lưới hạ tầng sơ bộ 5G trước khi công nghệ trở nên sẵn sàng. Theo ông Suri, sự phát triển công nghệ 5G của Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến EU tụt lại phía sau, và công nghệ 5G sẽ được ra mắt ở châu Âu vào một thời điểm nào đó trong năm 2019.

Bên cạnh đó, ông Suri cũng dự báo sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 5G ở Hàn Quốc và Nhật Bản các nhà khai thác viễn thông này đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hệ thống hạ tầng.

Tại Việt Nam, mạng viễn thông di động mới dừng lại ở công nghệ 4G. Chúng ta hy vọng rằng trong tương lai gần có thể được trải nghiệm mạng 5G ở Việt Nam với tốc độ cao hơn nhiều so với tốc độ mạng trước đây.