Đảo Đá Lát, điểm cuối hải trình
Sau gần 24 giờ được hòa cùng sức sống trên đảo Trường Sa, sáng hôm sau chúng tôi vội vàng chia tay đảo để tiếp tục hành trình. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, tàu nhổ neo rời đảo Trường Sa để đến với đảo chìm Đá Lát - điểm cuối của hải trình. Đảo Đá Lát cách đảo Trường Sa khoảng 14 hải lý về phía Tây Nam là đảo gần đất liền nhất trong số 21 đảo, 33 điểm đóng quân thuộc huyện đảo Trường Sa. Cùng với đảo Len Đao, Cô Lin, đảo Đá Lát như một “vành đai thép” nơi đầu sóng tiền tiêu bảo vệ đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và kiểm soát đường hàng hải quốc tế cũng là ngư trường thuận lợi để ngư dân khai thác hải sản. Sau hơn hai giờ khởi hành, tàu KN 490 đã đến đảo Đá Lát. Từ xa, đảo hiện lên như một con tàu hiên ngang giữa muôn trùng sóng gió biển khơi. Đặt chân lên đảo, ai cũng háo hức được chụp ảnh tại mốc chủ quyền và thăm chỗ ăn ở, hỏi chuyện đời sống của CBCS. Đại úy Trần Thọ Chiến, Chính trị viên đảo Đá Lát cho biết: Trong điều kiện khó khăn, thời tiết, sóng gió khắc nghiệt nhưng CBCS đảo Đá Lát luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu, chủ động quan sát các mục tiêu, nắm chắc mọi hoạt động trên không, trên biển, kịp thời xử lý theo đúng đối sách, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, kiên quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Lát chào tiễn Đoàn công tác.
Trong năm qua, đảo đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân bám biển, tạo điều kiện cho 755 lượt tàu cá vào khai thác hải sản tại khu vực; khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 78 lượt ngư dân, phối hợp cứu hộ, giúp đỡ hai tàu cá mắc cạn, bị chìm tại khu vực đảo hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các thuyền viên và cấp cứu một ngư dân bị đột quỵ trong khi lặn biển. Ngoài ra, cán bộ chiến sỹ trên đảo còn tăng gia sản xuất, chăn nuôi, trồng rau xanh cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Trong cơn bão số 16, đảo bị thiệt hại nhiều, nhưng CBCS đã khẩn trương khắc phục sửa chữa 10 cánh cửa, khôi phục 2 vườn rau xanh, phối hợp sửa chữa 24 tấm pin năng lượng mặt trời…
Thời gian trên đảo không được nhiều vì điều kiện thời tiết và thủy triều không thuận lợi, dự báo trời sắp chuyển giông gió nên mọi người phải khẩn trương rời đảo. Chào tạm biệt những người chiến sĩ trên đảo Đá Lát lên xuồng, chúng tôi còn nghe tiếng hát, tiếng đàn guitar của những chiến sĩ trẻ trên đảo hát vang bài Sức sống Trường Sa: “Trường Sa ơi mai tàu rời bến. Ta lại về phố thị thân thương. Vòng tay ấm bao chuyện buồn vui. Biển vẫn yên mà lòng ta lay động"… Tiếng hát thực sự làm lay động, xao xuyến trong lòng chúng tôi.
Trường Sa không xa
Như vậy, chuyến tàu KN 490 đã đưa chúng tôi đi hết hải trình, thăm và chúc Tết tại 6 đảo, gồm 9 điểm đóng quân thuộc huyện đảo Trường Sa. Đến với Trường Sa, chúng tôi mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của giang sơn, gấm vóc quê hương; được chứng kiến sự đổi thay trên các hòn đảo tiền tiêu chủ quyền của Tổ quốc. Trên các hòn đảo, đâu đâu cũng ấm tình người, thân thương và gần gũi. Tuy thời gian gặp gỡ, trò chuyện trên đảo không nhiều, nhưng trong lòng chúng tôi đều mang nặng những tình cảm đặc biệt sâu sắc. Chiến sĩ và nhân dân trên đảo-những người con kiên trung nơi đầu sóng, ngọn gió luôn nở nụ cười rạng rỡ đón nhận hơi ấm, tình cảm của những người con từ đất liền. Những em nhỏ trên đảo Trường Sa dù còn nhiều khó khăn, thiệt thòi nhưng trong ánh mắt luôn chứa đựng niềm tin và sự kiêu hãnh. Chính sự có mặt của các em trên đảo là minh chứng cho sức sống và sự vươn lên mãnh liệt; hình ảnh ngây thơ, trong sáng, đáng yêu đó của các em đã làm xúc động, nghẹn ngào trong lòng mọi người.
Trong suốt chuyến đi, mỗi đảo chúng tôi ghé thăm đều để lại ấn tượng rất mạnh mẽ, sâu sắc. Những câu chuyện về người lính đã cho chúng tôi cảm nhận được sự vất vả, khó khăn, cùng sự hy sinh thầm lặng. Đó là nỗi vất vả khi mùa mưa bão tới, sóng đánh trùm cả tòa nhà; đó là sự khó khăn khi thiếu nước ngọt, rau xanh, thiếu điện sinh hoạt và tình cảm của người thân mỗi khi Tết đến, Xuân về. Dù khó khăn, nhưng các anh vẫn kiên trung và luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của đất nước…
Tàu KN 490 đưa chúng tôi trở về đất liền, mang theo bao kỷ niệm về Trường Sa. Tình cảm chứa đựng trong mỗi món quà tặng của người lính đảo, đó là những cây bàng vuông mới được ươm mầm lên xanh, những “bức” thư pháp được viết trên những chiếc lá tra ở đảo, những bông hoa ốc được làm bằng cả sự khéo léo, kỳ công của người lính sau mỗi ca trực gác… Giữa mênh mông biển khơi, Trường Sa vẫn hiên ngang, hùng vĩ. Ở đó, có những người lính đảo như những cây phong ba, bão táp với sức sống mãnh liệt, kiên cường luôn chắc tay súng bảo vệ đảo. Trong tim mỗi chúng tôi Trường Sa thật gần và thân thiết vô cùng. Trường Sa không xa!
Anh Tuấn