Nhớ lại mùa xuân năm 2016, trên Tàu HQ 996, chuyến hải trình đến với Trường Sa, chúng tôi đã đến các đảo phía Bắc như: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết. Hải trình dài ngày, những con sóng lớn dồn dập xô vào mạn tàu, “đánh bại” không ít thành viên trong đoàn, khiến ai cũng mệt nhừ. Trên tàu HQ 996, chúng tôi gặp rất nhiều chiến sĩ trẻ lần đầu tiên ra Trường Sa, nhưng tất cả họ đều chung niềm tự hào khi được góp sức trẻ của mình bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tàu đến các đảo, cũng là lúc tôi và các đồng nghiệp có điều kiện gần với lính trẻ để tâm sự, trò chuyện về Trường Sa. Những lần gặp như vậy, họ đều thể hiện lời thề sắt son, quyết vững tay súng nơi đầu sóng ngọn gió. Và cũng thể hiện tình cảm dạt dào đối với đồng đội và người thân ở đất liền. Tôi còn nhớ một chiến sĩ trẻ trên đảo Nam Yết, bộc bạch: Đảo là nhà, biển là quê hương, lính trẻ chúng tôi quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân để cùng bảo vệ Trường Sa máu thịt.
Trước giờ tàu rít lên tiếng còi dài, cán bộ và chiến sĩ vẫy tay chào
người thân và bạn bè ra với Trường Sa thân yêu.
Đầu xuân năm 2017, tôi lại tiếp tục đến với Trường Sa cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4. Trên chuyến tàu HQ 571, tôi lại có “duyên” với chuyến hải trình các đảo phía Bắc, nhưng thêm vào danh sách có đảo Sinh Tồn. Còn nhớ, những lần bước chân lên các đảo, điều đầu tiên ấn tượng đối với tôi là một màu xanh của các cây bàng vuông, phong ba, bão táp, mù u... Rồi được các đồng nghiệp thông tin: Vào tháng 8-2014, Hội đồng Cây di sản Việt Nam (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) đã công nhận 4 cây ở huyện đảo Trường Sa là cây di sản Việt Nam. Trong đó, có một cây phong ba trên đảo Song Tử Tây, hai cây mù u trên đảo Sơn Ca và đảo Sinh Tồn và cây bàng vuông 8 nhánh trên đảo Nam Yết.
Quân và dân đảo Sinh Tồn cùng chung tay gói bánh chưng đón Xuân Đinh Dậu năm 2017.
Xuân về, mỗi đảo ở Trường Sa có nét riêng để đón Tết cổ truyền dân tộc. Ở đảo Sơn Ca, chiến sĩ thi gói bánh chưng bằng lá bàng vuông; ở đảo Nam Yết, chiến sĩ thi gói bánh chưng có thêm lá dừa… Tất cả đều tạo nên không khí đón tết đầm ấm, đầy tình đồng chí, đồng đội nơi đảo xa. Ấn tượng nhất trong 2 chuyến đi làm tôi nhớ đến Trường Sa, đó là hầu hết trong các buổi trao quà tết tại các đảo mà đoàn đến, hình ảnh các chiến sĩ vui đón đoàn thật đầy nghĩa tình như đón người thân từ đất liền ra ăn Tết với đảo.
Có lẽ hai tiếng Trường Sa thân yêu luôn mang âm hưởng vô cùng tha thiết trong trái tim người Việt. Không riêng gì tôi mà tất cả mọi người trong đoàn khi đến Trường Sa đều cảm nhận được. Riêng tôi, cảm nhận thêm một điều, có đến Trường Sa mới hiểu, mới thấy đất nước mình, biển đảo của Tổ quốc mình giàu đẹp vô cùng... Và có thể nói, qua 2 chuyến hải trình đủ làm tôi nhớ, lưu luyến và khắc ghi Trường Sa vào trong trái tim.
Phan Hiếu