Nhật ký Hải trình “Trường Sa thân yêu”

Lớp học nơi đầu sóng Trường Sa

(NTO) Ở Trường Sa có một ngôi trường đặc biệt, Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa. Ngôi trường gồm 2 lớp học ghép đủ các lứa tuổi, bao gồm cả học sinh mẫu giáo và tiểu học với hai người thầy như những người anh, người cha dạy học trò bằng tất cả tình thương yêu.

Điều làm chúng tôi rất ấn tượng khi vừa đặt chân lên đảo Trường Sa đó chính là các em học sinh trong bộ đồng phục trắng cách điệu theo kiểu áo lính hải quân, đứng hai bên đường đón chúng tôi. Nụ cười trong trẻo, thơ ngây đầy thân thiện, gần gũi, các em lễ phép chào mọi người rồi dẫn đường mời khách vào đảo. Khi được hỏi chuyện, các em tỏ ra rất dạn dĩ, lanh lợi, nhanh nhảu trả lời. Em Nguyễn Trà My, học lớp 5, Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa cho biết: Sáng nay, đảo có khách đến thăm nên trường cho nghỉ học để ra đón đoàn. Chiều nay, mời các cô, các chú ghé thăm trường con. Trường con đẹp và vui lắm!

Như đã hẹn, buổi chiều chúng tôi tới thăm Trường TH thị trấn Trường Sa. Trong ngôi trường nhỏ nhưng khá khang trang, sạch sẽ, tiếng trẻ em ê a học bài. Ngoài sân các em nhỏ lứa tuổi mầm non đang thoải mái nô đùa vui chơi với cầu trượt, nhà banh, bập bênh và đu quay. Tiếng nói cười líu lo vang cả một góc đảo làm không khí vừa thanh bình, vừa rạo rực, như ở đất liền. Tiếp chúng tôi, thầy giáo trẻ Phạm Trung Việt cho biết: Do ở đảo ít học sinh nên các em được ghép vào học trong 2 phòng học. Các học sinh ngồi quay lưng vào với nhau, hướng lên bảng. Trong khi giáo viên giảng bài cho học sinh lớp 5 thì học sinh lớp 3 ôn bài, học sinh lớp 2 ôn bài tập. Tuy khó khăn nhưng vì ít học sinh nên không ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em.

Thầy giáo Phạm Trung Việt dạy các em học sinh tại Trường Tiểu học Trường Sa.

Thầy Việt, sinh năm 1984, từng có 5 năm gắn bó với công tác dạy học trên đảo. Trước khi ra đảo, thầy đã từng dạy học tại Trường TH Vạn Thành 2, thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, nhưng khi biết ở Trường Sa đang có nhu cầu tuyển giáo viên, với mong muốn đến với Trường Sa góp sức mình giúp các em học sinh ở Trường Sa có kiến thức, góp phần xây dựng Tổ quốc và hải đảo nên thầy đã làm đơn tình nguyện ra đảo dạy học.

Thầy chia sẻ: Khi đặt chân đến đảo Trường Sa mình cũng rất bỡ ngỡ và bất ngờ vì trong tâm của mình nghĩ Trường Sa sẽ rất thiếu thốn khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng khi ra đây mình thấy các điều kiện cho việc giảng dạy và sinh sống ở trên đảo khá thuận lợi. Ấn tượng nhất đối với học trò ở đây, đó là trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng các em đã chăm chỉ, tích cực học tập. Chính tình cảm và tinh thần học tập của các em đã thôi thúc mình phải cố gắng hơn nữa để trau dồi trình độ chuyên môn, truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho các em, xem các em như là những người em, người cháu.

Là một trong 2 thầy giáo “kiêm nhiệm” kèm cặp, dạy dỗ các em học sinh từ lớp mầm non đến lớp 5, thầy Đặng Minh Hiệp, quê ở Diên Khánh (Khánh Hòa), sinh năm 1991 cũng đã gắn bó với đảo được 5 năm. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Khánh Hòa, thầy Hiệp đã tình nguyện đăng ký ra đảo Trường Sa để dạy học với tất cả lòng nhiệt tình, yêu nghề của người giáo viên trẻ. Thầy Hiệp tâm sự: Tôi luôn hãnh diện mỗi lần đứng trên bục giảng dạy các em học sinh ở đây, đó cũng là niềm vui lớn nhất của tôi. Ngoài dạy chữ tôi cũng dạy cho các em tình yêu quê hương đất nước và tinh thần vượt khó, kiên cường như người lính đảo. Các thầy giáo ở đây đều có tâm niệm là phải dạy dỗ các em đến nơi đến chốn. Không dạy hết ở trường thì về nhà, chúng tôi thường trong vai trò gia sư cho các em.

Chị Nguyễn Bình Phương Ái, có 2 người con đều theo học ở trường, cháu lớn học lớp 5 và cháu nhỏ học mẫu giáo. Gửi các con học tại trường chị cũng rất tin tưởng, yên tâm khi chứng kiến con cái trưởng thành và có ý thức học tập tốt: Các cháu học ở đây rất được các thầy quan tâm, không chỉ dạy dỗ kiến thức mà còn dạy kỹ năng sống. Từ đó các cháu có ý thức rất tốt, học hành chăm ngoan, lễ phép, chuyên cần. Dù ở đảo xa, điều kiện khó khăn nhưng có chỗ để các cháu học hành, vui chơi, gia đình mình rất yên tâm.

Những người thầy “đưa đò” vượt qua bao sóng gió, khó khăn để gắn bó với sự nghiệp trồng người ở những vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc như thầy Việt, thầy Hiệp... mãi luôn là tấm gương sáng ngời cho bao thế hệ thanh niên học tập. Hòa với nhịp sống ở đất liền, những lớp học ở đảo xa của những “chiến sỹ” nhí “áo vằn cánh sóng” vẫn đang ngày ngày được duy trì. Theo từng con chữ, các em dần lớn lên giữa biển trời sóng nước. Nhưng quãng đời tuổi thơ gắn bó với đảo xa của các em vẫn mãi là những ký ức đẹp đẽ không thể nguôi quên. Em Lê Thị Khánh Linh, học sinh lớp 3 cho biết: Con thích học nhất là môn Toán và là học sinh giỏi của lớp. Ở lớp, con được học nhiều kiến thức bổ ích và khi ra chơi được chơi với các bạn bè rất vui. Các thầy dạy con múa hát, làm thủ công nữa. Con ước mơ lớn lên con sẽ trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho mọi người.

Ở chân trời Tổ quốc ấy, ngoài học kiến thức, tri thức, các em còn được giáo dục tinh thần bám đảo, giữ biển và rèn luyện tinh thần thép cùng bộ đội Hải quân canh giữ biển đảo của Tổ quốc. Còn các thầy giáo trẻ như những con ong chăm chỉ ngày đêm gieo chữ, gieo những ước vọng từ những lớp học bên bờ biển Trường Sa.