Thế giới trong tuần

 1. Trong tuần thông tin được chú ý, đó là Mỹ không mong muốn chiến tranh với Triều Tiên mà muốn phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Đây là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (Giêm Ma-tít) đưa ra ngày 27-10 khi đi thăm làng đình chiến Panmunjom (Pan-mun-chơm) ở khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên cùng Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo (Xâng I-âng Mu).  Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hối thúc Bình Nhưỡng ngừng các hành động khiêu khích, đồng thời cam kết Washington sẽ sát cánh cùng Seoul trong việc đối phó với các mối đe dọa của Triều Tiên. 

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo nhấn mạnh tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên là “những vũ khí không thể được sử dụng”. Nếu sử dụng những vũ khí này, Triều Tiên sẽ phải đối mặt với sự đáp trả của lực lượng Hàn-Mỹ. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi Triều Tiên sớm quay trở lại bàn đàm phán liên Triều. 

Hàn Quốc là chặng dừng chân quan trọng trong chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis tới châu Á. Đây là lần thứ 2 ông Mattis thăm Hàn Quốc trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Dự kiến, ông sẽ gặp lãnh đạo quân sự nước chủ nhà cùng các chỉ huy quân đội Mỹ tại Hàn Quốc trong cuộc tham vấn thường niên về vấn đề phòng vệ trên bán đảo Triều Tiên. 

Cùng ngày, các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đã đưa ra dự luật nhằm ngăn chặn Tổng thống Donald Trump phát động cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên. 

Dự luật trên, nghiêm cấm mở cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên mà không có sự đồng ý của quốc hội, do Hạ nghị sĩ John Conyers (Giôn Côn-ơ) và Thượng nghị sĩ Ed Markey (Ét Ma-ki), đều của đảng Dân chủ, đệ trình. 

2. Thông tin cũng rất đáng quan tâm, đó là Nga tuyên bố sẵn sàng trợ giúp ASEAN chống khủng bố.  Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (Xéc-gây Sôi-gu) ngày 24-10 tuyên bố Moskva sẵn sàng trợ giúp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đặc biệt là sự xâm nhập của chủ nghĩa khủng bố vào các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. 

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN và các đối tác (ADMM+), ông Shoigu khẳng định: “Nga đã sẵn sàng cung cấp mọi sự trợ giúp cần thiết để tăng cường khả năng của các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các đối tác đối thoại nhằm đối phó hiệu quả các mối đe dọa này”. Theo ông Shoigu, sau 7 năm thành lập, Hội đồng bộ trưởng quốc phòng ASEAN và các đối tác đối thoại đã trở thành một cơ chế hiệu quả cho việc hợp tác quân sự khu vực. Ông nêu rõ: “Chúng ta có tiềm năng tốt để hợp tác chống khủng bố quốc tế, đảm bảo an ninh hàng hải, tương tác nhân đạo, kiểm soát khẩn cấp và tháo gỡ bom mìn”. 

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho rằng tuyên bố chung về chống khủng bố, được Nga và ASEAN thông qua hồi tháng 8-2017 là một dấu mốc quan trọng và được coi là bước đi đầu tiên hướng tới các hành động chung nhằm chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông Shoigu lưu ý rằng “ngày càng xác định được nhiều hơn những dòng tiền chảy vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương để hỗ trợ các nhóm khủng bố địa phương và tổ chức tấn công khủng bố”, vì vậy nhiệm vụ giờ đây là phối hợp nỗ lực của cộng đồng thế giới nhằm tiêu diệt hoàn toàn các lực lượng khủng bố quốc tế, trước hết là IS”. 

3. Năm 2016 đánh dấu lần đầu tiên số lượng tỷ phú ở châu Á vượt Mỹ, chủ yếu nhờ sự nổi lên của các chủ doanh nghiệp Trung Quốc. Trong báo cáo thường niên công bố ngày 26-10, Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ và hãng kiểm toán PwC cho biết trong năm 2016, châu Á có 637 tỷ phú, trong khi số tỷ phú tại Mỹ là 563. Hơn 30% số gương mặt góp tên trong danh sách tỷ phú năm ngoái đến từ Trung Quốc và Ấn Độ. Đứng vị trí thứ 3 là châu Âu với 342 tỷ phú. 

Xét về tổng thế, trong năm 2016, số lượng tỷ phú trên thế giới đã tăng 10% so với năm trước đó, lên 1.542 người, chủ yếu do số tỷ phú tăng tại châu Á. Trong khi đó, tổng tài sản của nhóm siêu giàu này tăng 17%, đạt mức 6.000 tỷ USD, sau khi giảm vào năm 2015. Các tỷ phú này sở hữu hoặc nắm giữ cổ phần của các công ty với 27,7 triệu lao động.