Philippines không bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài

Theo đài BBC, Philippines đang tiếp tục nói với dư luận về “phán quyết” của Tòa Trọng tài tại La Haye sau khi nước này thắng kiện Trung Quốc hồi tháng 7-2016.

Ông Antonio Carpio, một Thẩm phán của Tòa án tối cao Philippines cho biết, nước này vẫn sẽ thực thi phán quyết trong nhiệm kỳ hiện nay của Tổng thống Rodrigo Duterte hay với một tổng thống kế nhiệm. Ông Antonio Carpio là Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines. Ông được bổ nhiệm làm Thẩm phán của Tòa này từ thời Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo 16 năm trước.

Chuyên gia pháp luật hàng đầu này của Philippines từng giữ vai trò quyền Thẩm phán chính của Tòa Tối cao, một cơ chế trong hệ thống tư pháp của nước này năm 2012.

Ngày 20-10, bên lề cuộc hội thảo về cách tiếp cận mới với xung đột Biển Đông tại một trường đại học ở Oxford (Anh), ông Antonio Carpio nói về bước đi kế tiếp của Philippines:“Tổng thống Duterte nói ông sẽ đưa vấn đề phán quyết của Tòa Trọng tài vào thời điểm nào đó, điều đó không vội vàng vì ông là Tổng thống Philippines, là "kiến trúc sư" của chính sách đối ngoại và đó là đặc quyền của ông.

Tuy nhiên, phán quyết này sẽ vẫn được bảo lưu dù là trong nhiệm kỳ của tổng thống hiện nay hay của tổng thống kế nhiệm, đó chỉ còn là vấn đề thời gian, phán quyết luôn còn đó và nó có thể được thực thi hiện nay, hay với tổng thống tiếp theo. Điều mà chúng tôi đang làm hiện nay là cố gắng truyền thông, giáo dục đến mọi người về phán quyết này để thế giới biết về nó và đến lúc cần thiết, phán quyết đó sẽ được thực thi”.

Thẩm phán Carpio đưa ra phát biểu trên khi được hỏi về thái độ của Philippines với phán quyết của Tòa Trọng tài trong bối cảnh cả Philippines và Mỹ đều có sự thay đổi về lãnh đạo.

So với một năm trước, nay Philippines có Tổng thống R.Duterte, còn Trung Quốc đang tiếp tục củng cố vị thế của Tập Cận Bình.

Không cần đến “luật mới”

Ngày 20-10, Thẩm phán Antonio Carpio bác bỏ việc sử dụng các quy chế mới như “cùng khai thác ở Biển Đông trên các khu vực đang có tranh chấp”, một đề nghị mà Trung Quốc đã, đang và tiếp tục đề nghị với từng nước có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này. Theo ông, cần áp dụng các quy định của luật pháp, công pháp quốc tế đang hiện hữu. Ông nói: “Đã có các văn bản pháp luật về biển, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, tất cả các quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông đã phê chuẩn các văn bản đó và đều đồng ý về cơ chế giải quyết tranh chấp. Nếu chúng ta cố gắng sáng tạo ra một cái mới, chúng ta sẽ có thể không bao giờ đạt được sự đồng thuận.

Do đó, tôi nghĩ có lẽ chúng ta phải tiếp tục trung thành với các luật pháp hiện hành về biển hơn là sáng tạo ra luật mới, phải mất hơn một thập niên mới đàm phán được luật biển vào thời điểm đó.

Còn hiện nay, nếu chúng ta cố gắng đàm phán về một luật mới, tôi nghĩ sẽ phải mất 3-4 thập niên. Do vậy, theo tôi, chúng ta nên tiếp tục dựa vào các luật pháp hiện nay và hãy thực thi chúng”.

Tháng 5-2017, Thẩm phán Antonio Carpio từng lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về những lời lẽ và lập trường được cho là “cứng rắn” của nước này đối với vấn đề tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Philippines.

Vị thẩm phán này đã cảnh báo có thể sẽ kiện Trung Quốc “ra tòa quốc tế một lần nữa”, nếu Trung Quốc tiếp tục có những lời lẽ “đe dọa” và động thái “xâm phạm chủ quyền” Philippines và vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Antonio Carpio là một trong những người đóng vai trò chính để tổ chức, tư vấn chiến lược cho vụ kiện từ phía Philippines nhắm vào Trung Quốc.

Tại phiên tòa, phán quyết đưa ra hồi tháng 7-2016 đã bác bỏ yêu sách “Đường 9 đoạn” do Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông là vô căn cứ. Việt Nam giữ vai trò “quan sát”, dù từng lên tiếng phản đối yêu sách mà Trung Quốc thể hiện qua “đường 9 đoạn” gây tranh cãi ở vùng biển này.

Theo TTXVN