Ninh Sơn: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(NTO) Những năm qua, huyện Ninh Sơn tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động (LĐ) nông thôn gắn với yêu cầu thực tế thị trường và nhu cầu học nghề của người dân. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại huyện Ninh Sơn có những chuyển biến tích cực.

Với phương châm đào tạo nghề cho LĐ nông thôn trên địa bàn huyện không chạy theo số lượng, mà bám sát vào nhu cầu thực tế của người LĐ, nên tình trạng học viên đăng ký học nghề nhưng không đến lớp, hay bỏ học nghề giữa chừng, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và lãng phí nguồn ngân sách ở Ninh Sơn giảm rất nhiều. Theo đó, trước lúc mở lớp đào tạo nghề, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện (LĐ-TB&XH) phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách cụ thể số LĐ chưa có việc làm và LĐ thực sự có nhu cầu học nghề để tổ chức các buổi tư vấn, giúp họ chọn nghề theo mong muốn và năng lực của mỗi người, sau đó lập thành nhóm và tổ chức đào tạo phù hợp nhu cầu của học viên gắn với thực tiễn. Qua thống kê, từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 14 lớp đào tạo nghề, với 490 lượt học viên tham gia. Sau khi kết thúc khóa học, có 80% số học viên các lớp nông nghiệp đã ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất; 100% học viên lớp phi nông nghiệp được các doanh nghiệp nhận vào làm việc. Hiện tại, địa phương đang đào tạo 1 lớp dạy nghề đan, móc len và 2 lớp nghề may công nghiệp ngắn liên kết với doanh nghiệp, đảm bảo 100% học viên sau khóa học đều có việc làm.

Từ kiến thức học được qua các lớp đào tạo nghề, nhiều hộ ở huyện Ninh Sơn
đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Ảnh: Hồng Lâm

Ông Trần Thế Quang, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Với đặc thù là huyện thuần nông, người dân thường có nhu cầu học những nghề để có thể áp dụng vào quá trình sản xuất, vì thế hơn 2/3 lớp đào tạo nghề là các lớp nông nghiệp như kỹ thuật trồng mì, nuôi bò, dê vỗ béo, nuôi gà thả vườn... Bên cạnh đó, huyện chủ động nắm bắt thời gian LĐ, thời vụ sản xuất của nông dân để triển khai lịch đào tạo nghề, đã tránh được chuyện “chồng chéo” giữa thời gian LĐ hằng ngày với thời gian học nghề, giúp cho học viên vừa yên tâm sản xuất, vừa tham gia lớp học đầy đủ. Qua đó, chất lượng đào tạo nghề ngày càng nâng lên.

Để đáp ứng yêu cầu học đi đôi với thực hành của học viên, huyện Ninh Sơn cũng phối hợp với 4 cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh giảm khối lượng lý thuyết các bài giảng, thay vào đó là tăng cường nhiều tiết học thực hành tại lớp để học viên tiếp thu nhanh và linh động ứng dụng vào công việc sau khi học tập. Đồng thời, huyện chủ động tìm kiếm và kết nối với các cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng LĐ để mở lớp đào tạo nghề gắn với đảm bảo “đầu ra” cho học viên sau khi học xong với mức thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng.

Nét mới trong đào tạo nghề trong năm 2017, đó là huyện Ninh Sơn đã liên hệ và phối hợp với Công ty Cổ phần Bảo Chung Ninh Thuận mở lớp đào tạo nghề đan, móc len đầu tiên tại huyện cho 20 LĐ là người khuyết tật, đã mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho các gia đình học viên. Theo bà Võ Thị Hồng Ánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bảo Chung Ninh Thuận, sau khi kết thúc lớp học, công ty sẽ thành lập hợp tác xã đan, móc len để tạo việc làm cho học viên tại địa phương với thu nhập bình quân lúc đầu trên 700 ngàn đồng/người/tháng, sau đó sẽ tăng dần theo năng lực, kèm theo lương sản phẩm, giúp cho người khuyết tật có thu nhập ổn định, thoát khỏi sự tự ti, mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.

Trò chuyện với chúng tôi tại lớp học nghề, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (khu phố 6, thị trấn Tân Sơn) xúc động: Tôi rất vui vì được học nghề, sẽ cố gắng học tốt để sau này làm ra sản phẩm tốt, có được thu nhập ổn định, giảm bớt gánh nặng cho gia đình...

Ông Trần Thế Quang cho biết thêm: Hiện nay, huyện tiếp tục rà soát nhu cầu đào tạo một số nghề mới từ địa phương như cơ khí, lái xe hạng B, C, điện dân dụng để tham mưu, đề xuất Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ về cơ sở, kinh phí đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu thị trường LĐ, tăng cường việc kết nối với cơ sở, doanh nghiệp để tạo việc làm ổn định cho LĐ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương trong thời gian tới.