NGÀY DOANH NHÂN VIỆT NAM (13-10)

Vai trò doanh nghiệp ngày càng khẳng định

(NTO) Tỉnh ta hiện có 2.636 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, với tổng vốn đăng ký trên 29.486 tỷ đồng. Nhìn chung, các DN hoạt động khá ổn định và làm ăn có hiệu quả, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Kể từ khi tỉnh ta đẩy mạnh thực hiện các chính sách ưu đãi và đổi mới trong thu hút đầu tư thì hoạt động của cộng đồng DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều khởi sắc cả về số lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2017 có 339 DN đăng ký thành lập mới, cao nhất từ trước đến nay, với tổng vốn đăng ký 6.983 tỷ đồng, tăng 22,3% số DN và tăng gấp 4,7 lần số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Trong đó, có một số ngành tỷ lệ DN gia nhập thị trường tăng cao so với cùng kỳ như: Sản suất, phân phối điện có 19 DN, tăng gấp 3,3 lần; thương mại – dịch vụ có 134 DN, tăng 78,6%; nông nghiệp và thủy sản 79 DN, tăng 19,7%. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh còn có 329 DN đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó có 59 DN bổ sung vốn điều lệ với số tiền 1.138,5 tỷ đồng, tăng 36,7% so với cùng kỳ.

Công ty TNHH May Tiến Thuận hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: V.M

Điểm đáng ghi nhận đối với cộng đồng DN tỉnh ta những năm gần đây là tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, có một số DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thủy sản... đã phát huy năng lực sản xuất mới sau đầu tư, đóng góp đáng kể cho tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh. Trung bình mỗi năm, các DN đóng góp vào nguồn thu ngân sách của địa phương chiếm khoảng 65% phần thu nội địa. Ngoài ra, hằng năm cộng đồng DN, doanh nhân trong tỉnh còn tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội. Đặc biệt, trong phát triển nông nghiệp, nông thôn vai trò của DN ngày càng được thể hiện khá rõ, nhất là trong việc ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân về các sản phẩm đặc thù của tỉnh như: nho, táo, thịt dê, thịt cừu... Bên cạnh đó, các DN còn tích cực tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức như hỗ trợ tiền mặt, vật liệu xây dựng để các địa phương có thêm nguồn lực xây dựng các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng. Một số DN trong lĩnh vực thương mại tích cực tham gia Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” nhằm ổn định thị trường và kích cầu người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam rất hiệu quả.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số 2.636 DN đang hoạt động nói trên, lĩnh vực thương mại – dịch vụ đang có số lượng DN hoạt động nhiều nhất với 1.170 DN, chiếm 44,4%; tiếp đến là nông – lâm – thủy sản 580 DN, chiếm 22%; xây dựng 558 DN, chiếm 21,2% và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 328 DN, chiếm 12,5%. Để tạo điều kiện cho DN phát triển, thời gian qua tỉnh ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết hỗ trợ tài chính, tín dụng; hỗ trợ đổi mới, nâng cao năng lực, trình độ kỹ thuật và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho DN. Nhờ đó, sau khi đăng ký thành lập, hầu hết các DN đều hoạt động có hiệu quả và chấp hành tốt các quy định của Luật Doanh nghiệp. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, ngày 11-7-2016, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 2717/CTr-UBND tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhóm giải pháp, nhằm tạo thuận lợi cho DN phát triển. Kết quả sau hơn một năm thực hiện, về cải cách hành chính, các cơ quan, đơn vị đã tiến hành rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký DN còn 2,32 ngày, giảm 0,68 ngày so với quy định. Đồng thời, tổ chức hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng với DN; xây dựng đưa vào hoạt động chuyên mục hỏi- đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, qua đó trong 9 tháng đã tiếp nhận, giải quyết kịp thời 16 trường hợp liên quan đến các lĩnh vực đất đai, đầu tư, lao động... Đối với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã hỗ trợ, tặng miễn phí phần mềm kế toán Misa cho 82 DN mới thành lập, với tổng giá trị 241,9 triệu đồng, tạo điều kiện cho các DN khởi sự kinh doanh.

Với mục tiêu đến năm 2020, nâng tổng số DN tỉnh ta lên khoảng 3.500 – 4.000 DN, bình quân mỗi năm có từ 13%-15% DN đăng ký thành lập mới, vừa qua UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2235/KH-UBND về việc hỗ trợ phát triển DN giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc các nhóm giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Mặt khác, tỉnh đang rà soát đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước, xử lý nghiêm các tiêu cực, nhũng nhiễu; tạo lập hệ thống kết nối thông tin giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, để kết nối các thủ tục, rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh cho DN. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các đơn vị, tạo sức hấp dẫn cho giới doanh nhân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Phấn đấu đến năm 2020 nâng tổng nguồn thu ngân sách từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN chiếm khoảng 68% -70% trên tổng số thu nội địa; tổng giá trị gia tăng của khu vực DN chiếm từ 28% – 30% trong tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) và các DN tạo việc làm mới cho khoảng 10% tổng số lao động trong toàn tỉnh.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:

Quan điểm của tỉnh là luôn quan tâm, ủng hộ hoạt động chính đáng, lành mạnh của cộng đồng DN, doanh nhân. Do vậy, trong định hướng phát triển, kêu gọi đầu tư, tỉnh áp dụng nhiều chính sách ưu đãi theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho các DN, doanh nhân có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, mong rằng các DN, doanh nhân tiếp tục chủ động đổi mới công nghệ, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý để tổ chức sản xuất phù hợp, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, cộng đồng DN, doanh nhân cần nắm chắc định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường, để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện của DN mình. Chấp hành tốt quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động...

Ngoài ra, các DN, doanh nhân cần có sự liên minh, liên kết và phải xác định được chữ “tín” để xây dựng thương hiệu riêng cho mình, nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, sát với nhu cầu của DN, của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động của DN, góp phần cùng các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra n