Sôi động thị trường bánh Trung thu

(NTO) Đến thời điểm này, thị trường bánh Trung thu trên địa bàn tỉnh thực sự nhộn nhịp với đa dạng sản phẩm từ các thương hiệu đến cơ sở làm bánh truyền thống, bánh “handmade”.

Dạo quanh các tuyến đường chính trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã ngập tràn sắc đỏ, sắc vàng của các gian hàng bánh Trung thu. Chiếm lĩnh thị trường bánh Trung thu vẫn là hai nhãn hàng Kinh Đô và Bibica quen thuộc. Ngoài ra còn có các nhãn hiệu khác như Hà Long, Như Lan, Đồng Khánh, Yến sào Khánh Hòa… với nhiều mẫu mã, chủng loại, từ hương vị nhân truyền thống (trứng gà, đậu xanh, hạt sen, thịt quay...) cho đến các dòng bánh chay, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nhìn chung, năm nay, các nhà sản xuất đều chú trọng đầu tư vào chất lượng bánh với nhiều nguyên liệu mới như: chocolate, sầu riêng, mè đen; sáng tạo theo hương vị bánh châu Âu với các loại nhân như Tiramisu (kết hợp giữa cà phê, rượu nhẹ), phô mai, tỏi đen… mỗi chiếc bánh có giá dao động từ 40.000–500.000 đồng. Mẫu mã được cải tiến với nhiều màu sắc, tạo nên hộp bánh Trung thu độc đáo, sang trọng.

 
Nhân viên hàng bánh Kinh Đô giới thiệu một số mẫu bánh mới năm nay. Ảnh: M.Dung

Anh Hoàng Văn Thành, Giám sát bán hàng Công ty CP Mondelez Kinh Đô Việt Nam cho biết: Mùa Trung thu năm nay, công ty phân phối 40 điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh. So với năm trước, giá bánh chỉ tăng nhẹ khoảng 3%. Dịp này, Công ty CP Mondelez Kinh Đô Việt Nam tiếp tục tăng sản lượng, với 84 loại bánh từ loại trung bình đến cao cấp. Ngoài những hương vị truyền thống, Kinh Đô còn ra mắt dòng bánh trung thu Oreo, Custard và các dòng bánh cao cấp mang phong cách hiện đại. Càng đến Rằm tháng tám, nhu cầu mua bánh Trung thu của người dân càng tăng…

Bên cạnh đó, “thị trường online” bánh Trung thu “handmade” cũng được rao bán rầm rộ. Với ưu điểm làm thủ công, theo đơn đặt hàng nên bánh trung thu “handmade” luôn tươi, mới, sử dụng nguyên liệu tự nhiên, không phẩm màu công nghiệp, không chất bảo quản. Tuy nhiên, nhược điểm của dòng bánh này là hạn sử dụng rất ngắn, khoảng 5-7 ngày nên người kinh doanh dòng bánh này chỉ sản xuất theo đơn hàng, với số lượng hạn chế. Loại bánh này chủ yếu được bán và quảng bá thông qua các trang mạng xã hội, với nhiều loại như bánh trung thu hiện đại, bánh trung thu rau câu, bánh trung thu 3D, bánh trung thu trà xanh… Với nhiều năm kinh nghiệm làm bánh Trung thu “handmade”, chị Huyên Phan ở xã Thành Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) chia sẻ: Ngay từ đầu tháng 8, bắt đầu nhận làm bánh cho khách. Vì màu bánh được làm từ màu các loại rau, củ tự nhiên nên khâu chuẩn bị nguyên liệu khá mất thời gian, khách hàng phải đặt trước mới có. Dịp Trung thu năm nay, mình nhận hơn 200 bánh, với giá dao động khoảng 50-90 ngàn đồng/cái.

Bên cạnh những sản phẩm bánh Trung thu của những thương hiệu nổi tiếng, trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều loại bánh không rõ nguồn gốc, sản xuất theo thời vụ. Những sản phẩm này phần lớn không ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng đến chất lượng bánh (thường chỉ ghi chung chung là bột mì, đường, trứng, chất phụ gia). Các loại bánh này được đóng gói theo nhiều kiểu: từ bánh dẻo, bánh nướng trong các hộp nhựa với những hình thù bắt mắt, có hoa văn nổi như hình cá, hình thỏ… đến việc đóng gói bánh trong bao bì sơ sài, không có túi hút ẩm… Tuy mẫu mã và hình thức không thua kém gì bánh có nhãn hiệu nhưng giá các loại bánh này chỉ từ 15.000-20.000 đồng/cái.

Để kiểm soát về chất lượng sản phẩm bánh Trung thu đang có mặt trên thị trường, từ ngày 25 đến 28-9, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo trên địa bàn nhằm phát hiện những trường hợp sai phạm.

Thiết nghĩ, để đảm bảo sức khỏe cho mình và người thân hưởng trọn niềm vui “thưởng nguyệt” cùng chiếc bánh Trung thu, người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng.