Quản lý tổng hợp rệp sáp hại cây đu đủ

Thời gian qua, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh diện tích trồng cây đu đủ mở rộng đáng kể, chủ yếu là giống đu đủ lùn cao sản. So với các loại cây trồng khác, đu đủ là loại cây dễ trồng, kỹ thuật trồng và chăm sóc khá đơn giản. Ngoài ra, đu đủ là loại cây ngắn ngày, chi phí đầu tư không cao nên được người nông dân lựa chọn, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sử dụng tiết kiệm nước. Tuy nhiên, với việc trồng đu đủ tập trung và thâm canh đã xuất hiện nhiều sâu bệnh hại, trong đó rệp sáp là đối tượng quan tâm hàng đầu.

Để quản lý tổng hợp rệp sáp hại đu đủ hiệu quả, cần áp dụng các biện pháp sau:

Biện pháp canh tác: Trồng mật độ vừa phải nhằm tạo độ thông thoáng trong vườn; hạn chế trồng xen đu đủ với cây trồng khác dễ nhiễm rệp sáp như mãng cầu, cây ăn quả có múi, xoài, ổi, nhãn...; thường xuyên thăm và kiểm tra vườn, nhất là giai đoạn ra hoa và quả non để phát hiện rệp sáp sớm, kịp thời; trường hợp rệp sáp xuất hiện với mật số cao, nhiều bồ hóng nên sử dụng máy bơm nước có áp suất cao để rửa trôi bồ hóng và rệp, kết hợp vệ sinh vườn, loại bỏ cành lá bị rệp sáp bám nhiều để đưa ra ngoài vườn tiêu hủy; các loài kiến thường sống cộng sinh với rệp sáp, vì vậy, chú ý vệ sinh xung quanh gốc đu đủ nhằm không cho kiến có nơi trú ngụ.

Biện pháp sinh học: Trong vườn đu đủ có khá nhiều loài thiên địch của rệp sáp như ong ký sinh, kiến vàng, bọ rùa ăn thịt, ruồi ăn rệp… Vì vậy, cần chú ý áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp nhằm duy trì các loài thiên địch của rệp sáp có sẵn trong vườn.

Biện pháp hóa học: Chỉ sử dụng biện pháp hóa học khi thật cần thiết, nên ưu tiên dùng các loại thuốc có phổ tác động hẹp, thuốc có tác động chọn lọc như: Dầu khoáng Citrole 96.3EC, Applaud 10 WP/25 SC, Mospilan 3EC, Butal 25 WP. Trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng một số loại thuốc có phổ rộng hơn như Regent 800 WP, Confidor 700 WG... nhưng phải tuân thủ thời gian cách ly an toàn. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc hoặc không có trong danh mục được cho phép sử dụng trên cây thực phẩm, rau quả do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.