Hội thi “Nhà nông đua tài tỉnh Ninh Thuận năm 2017”: Sân chơi bổ ích, thiết thực

(NTO) Tỉnh ta vừa tổ chức Hội thi “Nhà nông đua tài tỉnh Ninh Thuận năm 2017”. Đến với Hội thi có 70 thí sinh của 7 đội đại diện cho Hội Nông dân của các huyện, thành phố trên toàn tỉnh.

Ngay từ phần thi đầu tiên- “Lời chào nông dân”, các đội đã thể hiện tài năng, tạo ấn tượng tốt đẹp, mang lại không khí sôi nổi, vui tươi, phấn khởi bằng những câu hát, hò vè, tiểu phẩm hài hước, sôi động để giới thiệu về những nét đặc sắc văn hóa, truyền thống, con người, tiềm năng, điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương mình; đồng thời thể hiện sự nhiệt tình, tinh thần giao lưu, học hỏi khi đến với Hội thi.

 
Phần thi ý tưởng nhà nông của đội Hội Nông dân huyện Ninh Hải.

Khác với Hội thi các năm trước, năm nay, ở phần thi kiểm tra kiến thức có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Các đội trải qua 2 phần thi: “Cùng nhau giải đáp” và “Ai giỏi hơn ai”. Ở phần thi “Lời chào nông dân”, mỗi đội cử 5 thí sinh tham gia, trả lời 1 câu hỏi của Ban Tổ chức, thời gian suy nghĩ không quá 3 phút. Ở phần thi “Ai giỏi hơn ai”, mỗi đội thi cử ra 3 thí sinh lần lược trả lời các câu hỏi bằng hình thức chọn đáp áp a/b/c/d với thời gian suy nghĩ cho mỗi câu hỏi không quá 30 giây. Về nội dung, ngoài một số câu hỏi về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các chủ trương của Hội Nông dân liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, năm nay, Ban Tổ chức tập trung nhiều hơn các câu hỏi kiểm tra kiến thức trên các lĩnh vực: khoa học - kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường trong nông nghiệp, nông thôn; kỹ năng hoạt động tín dụng… Thí sinh Nguyễn Thị Mai Hương của đội Hội Nông dân huyện Ninh Sơn chia sẻ: Theo tôi, sự đổi mới trong phần thi kiến thức năm nay đã tạo được sự hấp dẫn, hứng khởi cho các thí sinh. Nội dung cũng sát với thực tế hơn. Với các phần thi này, không chỉ đòi hỏi các đội phải có sự tập trung, nhanh nhạy, thống nhất cao để trả lời chính xác, đầy đủ, mà còn kiểm tra, phản ánh chân thực kiến thức, khả năng của một số cá nhân. Phần thi đã giúp thí sinh chúng tôi cũng như người xem học hỏi, mở mang nhiều kiến thức bổ ích, lý thú trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và công tác Hội. Mặc dù nội dung kiến thức khá rộng, yêu cầu phải tìm hiểu sâu, tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần đoàn kết, sự tự tin, các đội và các thí sinh đã hoàn thành tốt phần thi của mình. Nổi bật, đội Hội Nông dân huyện Bác Ái đạt số điểm tuyệt đối trong phần thi “Cùng nhau giải đáp”; thí sinh các đội: Hội Nông dân huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải và Tp.Phan Rang- Tháp Chàm xuất sắc trả lời đúng các câu hỏi.

Ấn tượng nhất là phần thi “Ý tưởng nhà nông”. Do được “tự do” lựa chọn hình thức trình bày ý tưởng về các vấn đề trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nên ở phần thi này, các đội đã bộc lộ, thể hiện hết năng khiếu, mang đến cho Hội thi những tiết mục, phần thi đậm phong cách “nông dân” nhưng cũng đầy sáng tạo, lôi cuốn, tinh tế khi chọn cho mình chủ đề phù hợp, hay, mang tính thời sự... Điển hình như bài hùng biện “Ai bảo vệ quyền lợi cho nông dân" của đội Hội Nông dân huyện Ninh Sơn, phản ánh tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa” của một số nông sản của địa phương; hay tiểu phẩm “Tái sử dụng rác thải sinh hoạt” của đội Hội Nông dân huyện Ninh Phước, phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường, công tác xử lý rác thải nông thôn; đội Hội Nông dân huyện Ninh Hải xuất sắc đạt điểm cao nhất với tiểu phẩm “Nông dân Ninh Hải tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo”…

Phát biểu tại Hội thi, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tài năng của các thí sinh cũng như sự chuẩn bị chu đáo của Ban Tổ chức. Đồng chí yêu cầu sau Hội thi, các thí sinh cần phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, trở thành tuyên truyền viên tích cực tập hợp, vận động hội viên, nông dân thi đua lao động sản xuất; giúp bà con nông dân nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, đặc biệt tích cực tham gia thực hiện, xây dựng các chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng khoa học-kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm, góp phần vào tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.