Hỗ trợ, khuyến khích kinh tế tập thể phát triển!

(NTO) Toàn tỉnh hiện có 1.205 Tổ hợp tác (THT), với trên 11.800 thành viên, trong đó có 415 THT thành lập mới, trên 4.000 thành viên tham gia. Cùng với phát triển các THT, các hợp tác xã (HTX) cũng có nhiều đổi mới đáng ghi nhận. Toàn tỉnh có 78 HTX, trong đó có 60 HTX đã tổ chức và hoàn thành việc củng cố, chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Điều đáng nói là sau khi Luật HTX năm 2012 ra đời, đã có một số mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa đã hình thành và phát triển. Đặc biệt đã mạnh dạn chủ động thay đổi phương thức quản lý, điều hành, tổ chức lại phương án sản xuất, kinh doanh, liên kết các thành viên tổ chức sản xuất theo hướng tập trung tạo ra những sản phẩm hàng hóa có thương hiệu; chủ động liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho thành viên… từng bước khẳng định là nhân tố quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nổi rõ là trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện có 44 HTX dịch vụ nông nghiệp đang hoạt động, với tổng số gần 14.800 thành viên, bình quân mỗi HTX có gần 330 thành viên, tập trung chủ yếu ở các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm về lúa, nho, rau củ các loại..., có khoảng 30-35% hộ nông dân là thành viên HTX. Hoạt động của các HTX nông nghiệp từng bước khẳng định HTX là vai trò nền tảng trong tổ chức lại sản xuất ở nông thôn theo hướng làm ăn mới, liên kết các HTX và các doanh nghiệp hình thành các liên minh sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh như: Sản xuất lúa giống, nho, táo, hành, tỏi, rau sạch; chăn nuôi dê, cừu... Đối với hoạt động dịch vụ của các HTX cũng ngày càng đa dạng, hiện nay có 21 loại dịch vụ mà các HTX tổ chức phục vụ cho thành viên HTX; một số HTX chủ động hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong việc ứng trước vật tư, phân bón, giống cây trồng, góp phần giảm bớt khó khăn về vốn đầu tư ban đầu cho các hộ thành viên…

 
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bảo An (phường Bảo An, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm)
phục vụ phân bón cho xã viên và bà con nông dân sản xuất nông nghiệp.

 Có thể nói, vị trí của kinh tế tập thể (KTTT) trong nền kinh tế của tỉnh được khẳng định qua việc đóng góp gần 8% GRDP hằng năm cho tỉnh. Đây là kết quả từ sự hỗ trợ tích cực của tỉnh bằng các chính sách cụ thể, sát thực tế. Ngoài thực hiện các chính sách như hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX; Chính sách hỗ trợ khoa học-công nghệ; Chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại… tỉnh đã tạo điều kiện về chính sách đất đai như hỗ trợ các HTX bằng việc giao đất không thu tiền sử dụng đất để xây dựng văn phòng, nhà kho, sân phơi, cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, cho HTX được thuê đất dự phòng, đất chưa sử dụng để xây dựng trại chăn nuôi, sản xuất lúa… góp phần tạo điều kiện cho các HTX ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Riêng về chính sách tài chính-tín dụng, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho HTX trong việc tiếp cận chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ, thông qua các cuộc họp chuyên đề, hoặc làm việc trực tiếp với ngân hàng, HTX nhằm tạo thuận lợi hơn cho các HTX…

Tuy nhiên, hoạt động khu vực KTTT trong tỉnh vẫn còn những mặt hạn chế cần khắc phục. Đó là hầu hết HTX có quy mô nhỏ, khả năng huy động vốn còn hạn chế. Năng lực quản trị của một số HTX nhìn chung còn yếu, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thiếu ổn định, không hiệu quả phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể còn cao… Hoạt động THT chỉ ở mức độ học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chưa phát huy được sức mạnh của từng thành viên và sức mạnh của KTTT; việc tổng kết và nhân rộng các mô hình HTX điển hình tiên tiến còn chậm...

Trước yêu cầu của thời kỳ mới đòi hỏi khu vực KTTT mà nòng cốt là HTX cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mới có thể đáp ứng được vai trò, vị trí của mình trong nền kinh tế. Vấn đề đặt ra là ngoài nỗ lực của các THT, HTX trong việc tổ chức sản xuất gắn với ứng dụng khoa học-công nghệ cao, tạo ra sản phẩm phù hợp với thị trường…, tỉnh cần chỉ đạo các ngành liên quan và các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển HTX theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch phát triển KTTT 5 năm 2016-2020 của tỉnh, trọng tâm là hỗ trợ thành lập mới HTX; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và thành viên HTX; hỗ trợ HTX tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, chế biến nông sản...

Với quyết tâm cao, hy vọng trong năm 2017 này, KTTT của tỉnh sẽ là một trong những động lực đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà.