Thuận Bắc: Định hướng phát triển chăn nuôi gia súc

(NTO) Chăn nuôi là một trong những ngành nghề chính giúp cho nông dân huyện Thuận Bắc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do thời tiết diễn biến thất thường, đàn gia súc của huyện bị ảnh hưởng khá nhiều. Để phát triển chăn nuôi bền vững, huyện Thuận Bắc đang tìm giải pháp, hướng đi mới phù hợp.

Đến nay, đàn gia súc toàn huyện có 47.724 con, trong đó đàn trâu, bò 20.860 con; dê, cừu 14.270 con; đàn heo 12.594 con… Qua con số thống kê, cho thấy hiện toàn huyện có hơn 5.000 hộ chăn nuôi gia súc, nhưng phần lớn theo quy mô nhỏ lẻ, phương thức chăn nuôi tự phát, chăn thả trên rẫy, dưới tán rừng, ven sông suối, thức ăn chủ yếu phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên, nên khi hạn hán, mưa lũ thường thiếu thức ăn, nước uống làm ảnh hưởng đến sức khoẻ đàn gia súc. Bên cạnh đó, người chăn nuôi không đầu tư xây dựng chuồng trại, vì vậy vào mùa mưa, đàn gia súc không đủ ấm dễ dẫn đến dịch bệnh, chất lượng kém.

Nhiều hộ chăn nuôi ở Thuận Bắc đầu tư phát triển đàn gia súc.Ảnh: Hồng Lâm

Đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để phát triển chăn nuôi gia súc, địa phương tiến hành quy hoạch vùng trồng cỏ, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tổ chức chăn nuôi theo chuỗi từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, căn cứ vào tình hình thực tế, một số địa phương đã quy hoạch đồng cỏ theo hướng trang trại như: Xã Bắc Sơn, Lợi Hải giảm phát triển đàn bò, riêng 2 xã Phước Kháng và Phước Chiến là vùng đồi núi, nhiều cây rừng, thích hợp cho việc phát triển chăn nuôi dê. Ngoài việc tận dụng đồng cỏ tự nhiên, các hộ chăn nuôi còn chủ động trồng cỏ, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc; áp dụng khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi; vận động người chăn nuôi xây dựng chuồng trại nơi thoáng mát, đảm bảo sức khoẻ cho đàn gia súc. Ông Nguyễn Thành Nga, chủ trang trại chăn nuôi tại thôn Gò Sạn, xã Bắc Phong chia sẻ: Nhờ áp dụng khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi, xây dựng chuồng trại đàng hoàng, chủ động trồng cỏ cho đàn gia súc nên dù thời tiết mưa nắng thất thường, hơn 1.500 con cừu, bò của trang trại vẫn phát triển bình thường.

Bên cạnh đó, huyện cũng quan tâm xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm đặc thù của địa phương như: Thương hiệu heo đen và gà Thuận Bắc. Chú trọng thành lập nhóm, tổ kỹ thuật, liên kết với các đơn vị để hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, huyện đã thành lập 1 HTX tại thôn Suối Đá (xã Lợi Hải) và 10 tổ nhóm vừa hỗ trợ chăn nuôi, vừa cung ứng giống, thu mua sản phẩm của nông hộ để tránh tình trạng thương lái ép giá.

Trong thời gian tới, song song với việc duy trì đàn gia súc, huyện sẽ thực hiện chương trình cải tiến, nâng cao tầm vóc đàn bò theo hướng lai tạo các giống ngoại có giá trị kinh tế cao như bò lai Sind, Brahma… Tận dụng các chương trình, dự án hỗ trợ để lai tạo giống và nhân rộng. Mặt khác, huyện tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả như: vỗ béo và nuôi sinh sản đàn bò, dê, cừu. Thường xuyên mở các lớp tập huấn về chăn nuôi, kỹ thuật trồng cỏ, cách chế biến các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển từ chăn nuôi tự do sang bán chăn thả, chủ động tìm nguồn thức ăn, xây dựng chuồng trại, học cách phòng chống dịch bệnh, tiêm vắc-xin cho gia súc để nâng cao chất lượng sản phẩm…