“Rồng xanh” trên đất Nhị Hà

(NTO) Trở lại xã Nhị Hà (Thuận Nam) vào những ngày cuối tháng bảy, chúng tôi gặp thương lái đưa xe tải từ Phan Rang lên thu mua thanh long. Loại cây mệnh danh “rồng xanh” thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đơm bông kết trái chín đỏ thắm trên vùng đất gò đồi thôn Nhị Hà 3. Trái thanh long ruột trắng chất lượng thơm ngon được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Thanh long là loại cây trồng mới được nông dân đưa từ Bình Thuận về giâm cành bén rễ trên đồng đất Nhị Hà trong những năm gần đây. Toàn xã hiện có 4 nông hộ canh tác trên 10 ha thanh long. Trong đó, người trồng nhiều nhất là anh Hà Lê Minh Hùng với diện tích 6 ha và ít nhất là anh Trương Giáp trồng 2 sào. Các nông hộ còn lại là Lê Văn Thông trồng 2 ha và Nguyễn Tấn Thọ trồng 2 ha. Chúng tôi tìm gặp anh Hà Lê Minh Hùng là nông dân nổi tiếng trong nghề trồng thanh long ruột trắng ở thôn Nhị Hà 3. Từ năm 2008, anh Hùng từ Phan Rang vào xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) hùn vốn với người thân trồng thanh long. Sau gần 4 năm gắn bó với loại cây “rồng xanh”, anh chịu khó học hỏi, nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng đặc sản của tỉnh Bình Thuận.

 
Anh Hà Lê Minh Hùng thu hoạch thanh long ruột trắng.

Nhìn thấy tỉnh Ninh Thuận có điều kiện khí hậu giàu nắng và đất đai thích hợp cho cây thanh long phát triển. Năm 2012, anh trở về quê lên xã Nhị Hà sang nhượng 1,5 ha đất vườn trồng thanh long của một nông dân thiếu khả năng đầu tư và kỹ thuật chăm sóc nên hiệu quả kinh tế kém. Anh Hùng lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước và chăm sóc cây thanh long theo quy trình sinh học an toàn. Đồng thời, sử dụng nguồn phân hữu cơ bón gốc ủ rơm giữ ẩm và thuê lao động “vuốt tai” tạo dáng cho trái thanh long bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu. Do chưa có nguồn điện 3 pha, nên anh sử dụng máy nổ chạy mô-tơ phát điện chong đèn cho cây thanh long trái vụ từ tháng 9 đến tháng 4 Âm lịch. Chỉ một năm sau, vườn thanh long 1.500 trụ “hồi sinh” được mùa trúng giá, anh Hùng có thu nhập trên 200 triệu đồng. Trái thanh long ruột trắng được thương lái từ Bình Thuận đánh xe ra thu mua đưa về xuất khẩu, với giá trung bình 18-20 ngàn đồng/kg. Từ đầu năm 2014 tới nay, do biến động của thị trường xuất khẩu nhưng thanh long trái vụ từ vườn nhà anh Hùng bán cho thương lái thu mua với giá 12-15 ngàn đồng/kg.

Đặc điểm khí hậu của xã Nhị Hà nắng ấm quanh năm, nên cây thanh long sinh trưởng tốt, cành vươn mạnh, trái chín đỏ thắm, ruột ngọt thanh được thị trường ưa chuộng. Năm 2015, anh Hùng tiếp tục đầu tư trồng mới 4.500 trụ thanh long ruột trắng trên diện tích 4,5 ha tại thôn Nhị Hà 3 chủ động tưới từ hồ Sông Biêu. Sau hai năm trồng, chăm sóc chu đáo, cây thanh long cho trái chiến. Vốn đầu tư trồng mới 1 ha thanh long khoảng 300 triệu đồng, từ đúc trụ, giâm cành, bón phân, lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước đến khi thu hoạch lứa trái đầu tiên. Anh đào ao tích trữ nguồn nước chủ động bơm tưới cho cây thanh long. Hiện nay, anh Hùng đang thu hoạch thanh long tơ vụ mùa mỗi tháng 2 lứa đạt sản lượng 2-3 tấn/lứa, thương lái thu mua tại vườn với giá 7.000 đồng/kg.

Ngoài chăm sóc 6 ha thanh long của gia đình, anh Hùng còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trồng thanh long với bà con thôn xóm. “Trồng thanh long nhẹ công chăm sóc, tiết kiệm nước tưới phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Trung bình 1 ha trồng thanh long ruột trắng có nguồn điện 3 pha chong đèn cho ra bông trái vụ sẽ đem lại thu nhập 400- 500 triệu đồng/năm. Bà con nông dân trồng thanh long xã Nhị Hà mong muốn được Điện lực Ninh Thuận quan tâm mở rộng hệ thống điện 3 pha đến các khu sản xuất tập trung giúp bà con ứng dụng công nghệ cao vào canh tác, giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập nâng cao đời sống nông dân”-anh Hà Lê Minh Hùng chia sẻ.

Đồng chí Võ Như Sơn, Chủ tịch UBND xã Nhị Hà cho biết: Thanh long là loại cây trồng mới được một số nông hộ chuyển đổi trên diện tích 10 ha. Bước đầu cây thanh long thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, ít sử dụng nước tưới, sản phẩm được thị trường ưa chuộng. UBND xã sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn để đánh giá cụ thể về mặt khoa học và thực tiễn canh tác của cây thanh long gắn với thị trường tiêu thụ. Nếu thấy hiệu quả kinh tế bảo đảm ổn định thì chính quyền địa phương tiến hành quy hoạch đất đai và có chính sách đầu tư phát triển cây thanh long theo hướng bền vững, tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần xây dựng địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.