Tp. Phan Rang- Tháp Chàm: Đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

(NTO) Những năm qua, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm không ngừng đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua đó đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức, tạo thói quen lựa chọn hàng hóa, nêu cao tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc trong việc sử dụng hàng Việt của các tầng lớp nhân dân.

Để đưa cuộc vận động đi sâu vào đời sống của người dân đô thị, Ủy ban MTTQVN thành phố, các tổ chức thành viên, các ngành, địa phương tích cực đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt nhân dân ở khu dân cư, các buổi sinh hoạt của các chi hội, đoàn thể, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên gương mẫu đi đầu nhằm tạo sức thuyết phục, lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân.

Người tiêu dùng ưu tiên, lựa chọn hàng Việt tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà. Ảnh: Uyên Thu

Xác định hệ thống kênh phân phối là cầu nối huyết mạch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, có ý nghĩa hết sức quan trọng phát huy tối đa hiệu quả cuộc vận động, thành phố luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối hàng Việt, tổ chức các đợt đưa hàng Việt về nông thôn; đặc biệt giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc thù của địa phương thông tin, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, qua đó góp phần tích cực giúp doanh nghiệp phát triển hàng hóa nội địa, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh, uy tín. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, thành phố đã cấp phép cho trên 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh, trong đó số hộ làm đại lý, phân phối hàng hóa là khoảng 10 hộ. Bên cạnh đó, thành phố tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng không đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ uy tín thương hiệu cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được Nhà nước bảo hộ. Phòng Tài chính-Kế hoạch thành phố tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị khi đầu tư mua sắm tài sản công ưu tiên mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc là hàng hóa được sản xuất trong nước…

Nhờ các giải pháp thiết thực đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành vi của người tiêu dùng, cũng như các doanh nghiệp, cơ sở trong việc ưu tiên mua sắm, sử dụng, kinh doanh, sản xuất hàng Việt. Một trong những doanh nghiệp đi đầu trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là Siêu thị Co.opMart Thanh Hà. Hiện siêu thị kinh doanh trên 15.000 mặt hàng, trong đó hàng Việt chiếm 90%. Trung bình mỗi năm doanh thu từ hàng Việt đạt trên 200 tỷ đồng, chiếm trên 90% doanh số. Ông Nguyễn Hải Đông, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Thanh Hà cho biết: Qua nhiều năm hoạt động, doanh nghiệp nhận thấy rõ sự chuyển biến rõ nét về thói quen, thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng và ưu tiên chọn mua các sản phẩm sản xuất trong nước. Dự kiến thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tăng lượng hàng Việt lên 95% trên tổng số mặt hàng kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hóa, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Đô Vinh chia sẻ: Nhờ tích cực tuyên truyền, phổ biến, chị em hội viên, phụ nữ ở địa phương ngày càng nhận thức ý nghĩa sâu sắc của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Riêng đối với bản thân tôi cũng rất chuộng hàng Việt nên khi đi mua sắm đều ưu tiên lựa chọn các mặt hàng sản xuất trong nước, đặc biệt đối với hàng lương thực, thực phẩm.

Để thực hiện tốt cuộc vận động, thời gian tới, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng phạm vi, mạng lưới cung ứng hàng hóa Việt; phối hợp với các ngành của tỉnh tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, chợ truyền thống, các chương trình quảng bá hàng Việt Nam, tổ chức hội chợ “Tự hào hàng Việt và sản phẩm truyền thống”. Tăng cường công tác quản lý thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ sản phẩm uy tín, chất lượng được sản xuất trong nước. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, gắn cuộc vận động này với các cuộc vận động, phong trào thi đua tại đơn vị, địa phương nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân về quyền lợi, trách nhiệm thể hiện lòng yêu nước khi lựa chọn, sử dụng, sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong nước nói chung và địa phương nói riêng.