Bộ GD-ĐT yêu cầu chấn chỉnh dạy thêm, học thêm

Bộ GD-ĐT vừa chỉ đạo các Sở GD-ĐT tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm. Bên cạnh đó ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, tác hại xấu của trò chơi điện tử...

Bộ GD-ĐT cho biết, hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2010-2011 khối các Sở GD-ĐT cho thấy, tuy các sở có nhiều cố gắng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ năm học nhưng vẫn còn nhiều mặt hạn chế như tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định ở một vài nơi vẫn chưa được khắc phục; vẫn còn hiệu trưởng một số nơi chưa quan tâm đến công tác này, chưa thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với những giáo viên có sai phạm.

Một số trường học, một số ban đại diện cha mẹ học sinh các trường vẫn tổ chức thu các khoản đầu năm học trái quy định, tổ chức huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh chưa được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và gây sự bất bình trong dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, tình hình học sinh bỏ học tuy có giảm so với năm trước, song ở một số tỉnh vẫn còn ở mức cao, nhất là cấp THCS và THPT. Tình trạng học sinh đánh nhau, bạo lực trong học đường vẫn còn xảy ra ở một số tỉnh, thành phố.

Để giải quyết những mặt hạn chế này, Bộ GD-ĐT vừa chỉ đạo các Sở chú trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao kỷ cương - tình thương - trách nhiệm của thầy giáo, cô giáo; Quan tâm đến các em học sinh nghèo, học sinh học yếu.

Phối hợp tốt với chính quyền và các đoàn thể ở địa phương để tăng cường huy động học sinh đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Bên cạnh đó, các Sở GD- ĐT cần chú ý thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ GDĐT về ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, ngăn chặn các tác hại xấu của trò chơi điện tử; giữ an toàn cho học sinh trên đường đi học.

Tăng cường các biện pháp quản lý dạy thêm, học thêm. Quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ, quan tâm giải quyết đầy đủ các chế độ chính sách cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý Giáo dục đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, cần tập trung nguồn lực để triển khai các đề án phát triển giáo dục đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó đặc biệt chú ý đến việc phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi và Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020. Đồng thời phải quan tâm hơn nữa đến phát triển giáo dục ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào còn nhiều khó khăn; triển khai tốt việc kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên để học sinh có điều kiện tốt nhất để học tập, các thầy cô giáo có chỗ ở ổn định, yên tâm công tác.

(Theo Dân trí)