Đô Vinh anh hùng trên đường đổi mới

(NTO) Phát huy truyền thống bất khuất, kiên cường của thế hệ cha ông đi trước, với một lòng sắt son theo Đảng, người dân quê hương Đô Vinh (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) anh hùng hôm nay ra sức thi đua lao động, sản xuất lập nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, đưa kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển…

Dấu ấn vùng đất anh hùng

Trong suốt thời kỳ đấu tranh cách mạng, quân và dân phường Đô Vinh đã tôi luyện, hun đúc truyền thống yêu nước nồng nàn, anh dũng đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, đế quốc Mỹ, cùng nhân dân tỉnh nhà viết nên trang sử vẻ vang.

Một góc phường Đô Vinh hôm nay.

Dưới thời thực dân Pháp, người dân Đô Vinh bị bọn địa chủ phong kiến, thực dân Pháp đàn áp bóc lột nặng nề, chiếm đoạt ruộng đất, đẩy vào cảnh nghèo khổ bần cùng. Năm 1929, đồng chí Trần Đình Giáp, đảng viên Tân Việt từ Sài Gòn chuyển ra làm thợ nguội ở Đề-pô Tháp Chàm cùng một số công nhân thành lập Chi bộ Tân Việt Đề-pô Tháp Chàm. Đây là một trong những chi bộ đầu tiên ở tỉnh ta. Năm 1930, Chi bộ Tân Việt Đề-pô Tháp Chàm được chuyển thành Chi bộ Đề-pô Tháp Chàm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân và nông dân làng Đô Vinh đã tham gia nhiều cuộc biểu tình chống thực dân Pháp, phát-xít Nhật, địa chủ, tay sai. Những ngày sôi sục khí thế Cách mạng Tháng Tám mùa thu năm 1945, Đô Vinh là trung tâm nổ ra cuộc biểu tình giành chính quyền ngày 21-8-1945, sau đó cuộc biểu tình phát triển rộng ra cả tỉnh.

Năm 1954, sau khi Pháp thua rút lui, Mỹ nhảy vào xâm lược miền Nam Việt Nam. Thực hiện khẩu hiệu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, người dân Đô Vinh đã ủng hộ hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và nhiều tiền của cho kháng chiến. Hàng trăm người dân tham gia tòng quân giết giặc, không ít người đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc. Xóm Dừa (nay là khu phố 7) đã trở thành căn cứ lõm cách mạng, là bàn đạp tấn công vào cơ quan đầu não của địch. Trong cuộc cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975, quân và dân Đô Vinh phối hợp với các lực lượng chủ lực, tiến công nổi dậy giành chính quyền về tay Nhân dân, giải phóng quê hương Ninh Thuận ngày 16-4-1975.

Bước đường đổi mới

Đến nay, qua 42 năm đổi mới và phát triển, diện mạo quê hương Đô Vinh đã thực sự “đổi thịt thay da”. Từ địa phương sản xuất nông nghiệp, Đô Vinh nay đã trở thành phường đạt chuẩn đô thị văn minh. Có được kết quả này là nhờ vào sự quan tâm của tỉnh, thành phố đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, mạng lưới giao thông, đặc biệt xây dựng, nâng cấp Cụm công nghiệp (CCN) Tháp Chàm, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho ngành công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ. Hiện CCN Tháp Chàm có 7 doanh nghiệp đang hoạt động tập trung vào các nghề may mặc, bao bì, chế biến nông sản, giống cây trồng… Đứng chân trên địa bàn còn có 30 công ty tư nhân, 4 trụ sở giao dịch ngân hàng, bưu chính, viễn thông, hơn 200 hộ kinh doanh trên lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ vận tải, ăn uống; ngoài ra, chợ Đô Vinh được nâng cấp, mở rộng, ngày càng phát triển, thu hút trên 140 tiểu thương… không chỉ giúp Đô Vinh hình thành các trung tâm giao dịch, mua bán, sản xuất sôi động, mà còn giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của địa phương. Năm 2016, giá trị sản xuất ngành công nghiệp-xây dựng đạt 1.226 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 82% nền kinh tế; thương mại-dịch vụ 194 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14%.

Nông dân phường Đô Vinh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa đạt năng suất cao. Ảnh: Sơn Ngọc

Đồng chí Phạm Thanh Quang, Chủ tịch UBND phường cho biết: Mặc dù công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ là các ngành kinh tế trụ cột, tuy nhiên, hiện nay địa phương có trên 50% hộ gia đình sống dựa vào nông nghiệp. Vì vậy, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm đời sống của người dân. Trong sản xuất nông nghiệp, cây lúa vẫn được xem là cây trồng chủ lực, với tổng diện tích trên 340 ha, mỗi năm sản xuất 3 vụ. Ngoài vận động bà con thực hiện đúng kế hoạch gieo trồng, địa phương còn tích cực hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, trên 50% diện tích lúa được áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm”, năng suất trung bình đạt gần 70 tấn/ha. Hệ thống kênh mương thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng, nạo vét khơi thông. Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Sở Giao thông vận tải đã thực hiện Dự án Kiên cố hóa hệ thống kênh Bắc, đồng thời hỗ trợ địa phương xây dựng tuyến kênh nội đồng Ý Sơn với tổng chiều dài gần 1 km, góp phần quan trọng bảo đảm nước tưới phục vụ sản xuất. Ngoài ra, địa phương còn khuyến khích bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển các vùng trồng lúa không hiệu quả sang một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như nho, táo, rau màu, kết hợp chăn nuôi dê, cừu khép kín… để nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, địa phương cũng chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khuyến khích bà con chuyển đổi nghề, nhất là đối với các hộ có đất nông nghiệp nằm trong diện giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phục vụ phát triển đô thị, giao thông, công nghiệp, thương mại-dịch vụ… đáp ứng yêu cầu đô thị hóa. Được biết, trong tổng số hộ dân sản xuất nông nghiệp của phường, có khoảng 15% hộ tạo được thêm thu nhập nhờ vào buôn bán, kinh doanh, tiểu thủ công nghiệp, đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,76%. Hằng năm, 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường…

Đồng chí Phạm Thanh Quang cho biết thêm: Để tạo động lực giúp địa phương ngày càng phát triển, xây dựng diện mạo đô thị khang trang hơn, hiện thành phố đang thực hiện dự án nâng cấp tuyến đường Minh Mạng với tổng kinh phí trên 35 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm nay, tạo kết nối thông suốt với đường 21 Tháng 8 và Quốc lộ 27. Ngoài ra, tỉnh và thành phố đã có kế hoạch thực hiện một số công trình, dự án lớn như: Mở rộng đường 21 Tháng 8, tiếp tục hoàn thiện Khu dân cư Tháp Chàm… Với sự quan tâm của tỉnh, thành phố, sự nỗ lực, đoàn kết của Đảng bộ và nhân dân địa phương, tin rằng Đô Vinh sẽ tiếp tục phát triển đi lên, xứng đáng là phường đô thị văn minh.