Các quỹ tài chính ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh hoạt động ra sao?

(NTO) Toàn tỉnh hiện có 7 quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước được thành lập với quy mô, tính chất và phạm vi hoạt động khá đa dạng, cơ bản phù hợp theo các quy định hiện hành và tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về mục tiêu, phạm vi và các lĩnh vực hoạt động.

Những kết quả bước đầu

Các quỹ được thành lập nhằm mục đích tiếp nhận vốn ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện những mục tiêu như đầu tư trực tiếp, cho vay các dự án để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội; bảo vệ và phát triển rừng; hỗ trợ phụ nữ nghèo, cận nghèo, người có thu nhập thấp để phát triển sản xuất kinh doanh và dịch vụ, giúp phụ nữ nâng cao vị thế trong gia đình, xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống; hỗ trợ giúp đỡ hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nhằm xóa đói giảm nghèo, phát triển ngành nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển hình thức kinh tế hợp tác ở nông thôn… Một số quỹ được ngân sách nhà nước cấp vốn ban đầu hoặc được cấp bổ sung vốn điều lệ trong năm hoặc được cấp một phần trong quá trình hoạt động như: Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; một số quỹ không có vốn điều lệ ban đầu như: Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh có nguồn vốn do IFAD tài trợ.

Theo kết quả giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho thấy các quỹ tài chính nêu trên thời gian qua hoạt động có bảo tồn được nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp, không xảy ra nợ xấu, có doanh thu từ hoạt động để bổ sung và phát triển nguồn vốn nhằm thực hiện một số mục tiêu của ngành. Đơn cử như: Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đã trực tiếp đầu tư Dự án khu dân cư Cầu Quằn - Cà Ná; cho vay với lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện các dự án trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư, hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở xã hội, góp phần phát triển hạ tầng cơ sở và kinh tế xã hội tại địa phương, đóng vai trò là “vốn mồi” để thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư.

Hay như quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển, hầu hết các hộ gia đình sử dụng vốn vay đầu tư chủ yếu cho các hoạt động nông nghiệp (chăn nuôi chiếm tỷ lệ cao nhất: 81,9%; trồng trọt: 15,37%; buôn bán kinh doanh nhỏ lẻ: 2,73%). Hoạt động tiết kiệm tín dụng được duy trì ổn định, số thành viên tham gia tăng với 123 nhóm/2.014 thành viên, trong đó phụ nữ: 1.957 hộ, chiếm 97%, hộ nghèo và cận nghèo: 836 hộ, chiếm 41%, dân tộc thiểu số: 447 hộ, chiếm 22%. Từ nguồn quỹ này đã góp phần tăng thu nhập cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, người có thu nhập thấp phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững… Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh là một trong những quỹ được đánh giá hoạt động khá hiệu quả. Với doanh số cho vay xoay vòng đạt 28,190 tỷ đồng thông qua 98 mô hình, dự án (45 dự án chăn nuôi bò, dê, cừu, chiếm 46%; 28 dự án trồng nho, táo, tỏi, măng tây xanh, lúa, các loại hoa màu khác, chiếm 29%; 16 dự án nuôi trồng thủy, hải sản ốc hương, cá bóp, rong sụn, chiếm 16%; ngành nghề khác như chế biến nước mắm, sản xuất muối, chiếm 9%). Các mô hình, dự án từ nguồn vốn vay hoạt động có hiệu quả trên cả 3 tiêu chí: nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết lao động nông nhàn và gắn kết trong nội bộ nông dân, xây dựng nông thôn mới. Theo đó, thu hút 1.241 nông dân vào tổ chức Hội, giải quyết trên 3.700 lao động nông thôn; thu nhập bình quân của hộ vay vốn tăng từ 10-20% so với khi chưa tham gia dự án; góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng nông thôn mới, giảm các tệ nạn xã hội, ổn định chính trị, an ninh trật tự ở nông thôn…

Khắc phục hạn chế, nâng chất lượng hoạt động

Thực tế cho thấy, hầu hết các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh có vốn điều lệ thấp, quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp và không thực hiện được chức năng huy động vốn (ngoại trừ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh vận động, ủng hộ được 237,534 triệu đồng), hoạt động chủ yếu dựa vào vốn điều lệ, vốn ngân sách hỗ trợ nên chưa hiệu quả hoặc còn hạn chế so với mục đích, yêu cầu đề ra. Việc sử dụng vốn của một số quỹ chưa tích cực, có quỹ không giải ngân được hoặc giải ngân với tỷ lệ thấp, vốn ngân sách cấp tồn quỹ còn lớn, kéo dài nhiều năm như Quỹ Bảo vệ môi trường, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng… Không những vậy, việc điều hành hoạt động của một số quỹ chưa thực hiện tốt, đa số Hội đồng quản lý và Ban kiểm soát quỹ không đảm bảo việc họp định kỳ theo quy chế, chưa giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của quỹ. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về tình hình hoạt động, công tác quản lý báo cáo tài chính hàng năm của các quỹ trên địa bàn tỉnh chưa chặt chẽ, chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức, chưa kịp thời phát hiện khó khăn, bất cập để tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết...

Để chấn chỉnh những tồn tại, phát huy hiệu quả của các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 22-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, qua công tác giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện một số nhiệm vụ như: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động và việc chấp hành pháp luật đối với các quỹ, bảo đảm nguồn lực tài chính nhà nước được quản lý, sử dụng có hiệu quả, công khai, minh bạch; tiến hành rà soát, báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của các quỹ, đề xuất sắp xếp lại các quỹ đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Một số quỹ mô hình tổ chức hoạt động chưa phù hợp theo quy định (Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Phát triển đất, Quỹ Phát triển nhà), cần sắp xếp, chấn chỉnh đảm bảo theo quy định. Trên cơ sở đó hỗ trợ ngân sách đối với các quỹ hoạt động thực sự có hiệu quả và cần thiết, nhằm hạn chế việc phân tán nguồn lực ngân sách nhà nước. Đối với một số quỹ không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả (Quỹ Bảo vệ môi trường) có hướng tổ chức quỹ riêng trên cơ sở có hướng dẫn cụ thể của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương hoặc ủy thác theo quy định; hoặc hoạt động có hiệu quả nhưng nguồn vốn không huy động được, chủ yếu là nguồn chi từ Trung ương và ngân sách tỉnh, không nhất thiết thành lập quỹ riêng; tập trung củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý đối với các quỹ để tiếp tục duy trì hoạt động theo hướng chuyên nghiệp và giúp cho các quỹ phát triển đảm bảo thực hiện theo đúng mục đích đề ra…