Khai thác lợi thế phát triển các loại cây trồng đặc thù có giá trị kinh tế cao

(NTO) Tỉnh ta có lợi thế phát triển các loại cây trồng đặc thù vùng khô hạn có giá trị kinh tế cao như: nho, tỏi, nha đam, măng tây xanh…

Với diện tích 1.200 ha, cây nho đang giữ vị thế cao trong “tốp” cây trồng đặc thù của tỉnh. Hướng đến sản xuất bền vững, tỉnh đã quy hoạch vùng trồng nho tập trung, lộ trình đến năm 2020 diện tích tăng lên 2.000 ha. Nhìn lại hoạt động trồng nho gần đây có thể thấy, nỗ lực của ngành chức năng, các địa phương trong chuyển giao kỹ thuật canh tác theo quy trình VietGAP đã giúp nhiều nông hộ làm giàu trên chính đồng đất của mình. Có đi về vùng trồng nho sạch ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) mới biết chỉ có áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất mới giảm được chi phí đầu tư, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Trước đây, ông Đào Trọng Điệp trồng nho theo tập quán truyền thống thu nhập chỉ đạt 150-200 triệu đồng/ha/năm, nhưng kể từ khi đưa giống nho xanh NH 01-48 vào sản xuất và ứng dụng công nghệ cao, thu nhập tăng lên 800-900 triệu đồng/ha/năm. Thực tế đáng mừng này làm cơ sở để các địa phương đẩy mạnh chương trình sản xuất nho VietGAP, chuyển giao giống mới, quy hoạch vùng trồng ứng dụng công nghệ cao.

Nông dân xã An Hải (huyện Ninh Phước) chăm sóc cây nho xanh.Ảnh: V.M

Cùng với cây nho, những năm gần đây, một số địa phương đưa loại cây trồng mới vào sản xuất như măng tây xanh ở dọc theo các dải cát ven biển đã phát huy hiệu quả về khai thác lợi thế thổ nhưỡng vùng, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định. Trước đây do sản xuất măng tây xanh còn nhỏ lẻ, chưa tạo được khối lượng hàng hóa dồi dào cung cấp cho thị trường một cách thường xuyên là hạn chế lớn, nhưng hiện nay tình hình đã được cải thiện. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, diện tích cây măng tây xanh đang ngày càng mở rộng, đến nay đạt trên 50 ha, sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các nhà hàng, siêu thị. Nhìn vào tương lai, triển vọng phát triển cây măng tây xanh là rất lớn, bởi tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, quy mô hàng trăm ha ở phường Văn Sơn (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), xã Phước Hải (Ninh Phước). Các sản phẩm của măng tây xanh rồi đây không chỉ phục vụ thị trường trong nước, mà còn hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài.

Có thể khẳng định, từ định hướng đúng đắn về phát triển các loại cây trồng đặc thù của tỉnh, đã khai thác được tiềm năng, lợi thế so sánh, góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp chuyển biến tích cực. Khó có thể tin cây bưởi da xanh “bám rễ” trên đất vùng cao Phước Bình (Bác Ái) đã giúp nhiều hộ đồng bào Raglai có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Thành công này nhờ sự nỗ lực của đơn vị chức năng hỗ trợ giống, kỹ thuật cho nông dân triển khai trồng thí điểm từ năm 2008 từ vài ha ban đầu, đến nay tăng lên 40 ha. Để sản xuất phát triển bền vững, bước tiếp theo, ngành chức năng và các địa phương đang làm là quy hoạch vùng trồng ổn định. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Nếu bưởi da xanh chỉ trồng ở Phước Bình thì sản lượng không đủ cung cấp thường xuyên cho nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, vì thế đề xuất của một số địa phương mở rộng diện tích là xác đáng, cần được xem xét. Hiện nay, cây bưởi da xanh đang tiếp tục trồng thử nghiệm ở xã Công Hải (Thuận Bắc), kết quả ban đầu cũng rất khả quan. Đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc, cho biết: Bưởi da xanh là đối tượng cây trồng mới có ưu thế vượt trội nhờ giá cao (60.000 đồng/kg), nhiều người ưa dùng, huyện đang xây dựng kế hoạch nhân rộng trong những năm tới. Với đà này, dự kiến 5 năm nữa trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành vùng trồng bưởi da xanh quy mô tập trung ở các xã miền núi thuộc huyện Bác Ái và Thuận Bắc, tạo nguồn thu lớn, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.