CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Chữ tín của nông dân!

(NTO) Lâu nay, chuyện một số doanh nghiệp bội tín với dân, như ký hợp đồng với nông dân sản xuất trồng cây này, nuôi con nọ…nhưng khi có biến động thị trường như “rớt” giá thì…đánh bài chuồn, một đi không trở lại làm cho không ít nông dân lao đao, hay khi quảng cáo thì chất lượng “tuyệt hảo” nhưng đến khi cung cấp cây, con giống, vật tư… thì chất lượng quá kém dẫn đến thiệt hại cho dân… xảy ra nơi này, nơi khác. Nay lại có chuyện…ngược, đó là tại nhiều địa phương người sản xuất cũng sẳn sàng… bội tín với doanh nghiệp!.

Nông dân xã Phước Sơn (Ninh Phước) hợp đồng sản xuất bắp nhân giống cho Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố.
Ảnh: Sơn Ngọc

Anh bạn tôi làm giám đốc một doanh nghiệp chuyên đầu tư vào nông nghiệp ở lĩnh vực sản xuất giống cây trồng như bắp giống lai, lúa giống, đậu giống…cả trong và ngoài tỉnh. Tùy điều kiện, có khi ký kết hợp đồng thông qua Hợp tác xã nông nghiệp nhưng có địa phương phải ký kết trực tiếp với từng nông hộ do nơi đó chưa có tổ chức kinh tế tập thể. Những năm gần đây, với điệp khúc “được mùa mất giá” của nhiều loại nông sản đã trở thành một nỗi lo thường trực của người nông dân. Cho nên, việc ký hợp đồng từ đầu tư đến bao tiêu sản phẩm theo mô hình liên kết “4 nhà” với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã trở thành “cứu cánh” cho nông hộ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại và rủi ro trong sản xuất, bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Có trong tay những hợp đồng này, người nông dân yên tâm hơn khi sản phẩm của mình được tiêu thụ với mức giá bảo đảm có lãi, cho dù thị trường biến động sụt giảm đến mức nào. Tuy nhiên, trên thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề đáng bàn, đó là khi giá nông sản thấp, “cung” trên thị trường không cao ngoài doanh nghiệp đã ký hợp đồng thì nông dân thực hiện tốt hợp đồng đã ký kết, thậm chí còn hối thúc doanh nghiệp tiêu thụ nhanh… Ngược lại, khi nông sản có giá cao, thương lái đến từng nhà để thu mua, thì có không ít nông hộ đánh bài…lơ, quay lưng lại với các doanh nghiệp đã xác lập quan hệ làm ăn, sẵn sàng bán sản phẩm cho các tư thương bởi giá mua cao hơn giá hợp đồng đã ký!. Anh bạn tôi than thở:- Trước tình cảnh này, mặc dù các đơn vị ký hợp đồng theo giá sàn, nhưng khi thị trường biến động theo hướng tăng, họ đã tiến hành điều chỉnh giá theo giá thị trường, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng đã ký. Nguyên nhân của sự… “thua” này, theo một số doanh nghiệp cho biết thường là thủ tục thanh toán của tư thương nhanh gọn, “tiền trao cháo múc” lại mua “mão” sản phẩm có khi ngay tại chân ruộng, giá cả thỏa thuận…trong khi các doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân lại có nhiều ràng buộc, thanh toán chậm... Với cách làm đó đã dẫn đến sự thiếu tin tưởng giữa nông dân với doanh nghiệp, vô hình trung đẩy cả hai bên lâm vào những tình thế khó xử, tranh chấp...

Giữ chữ tín trong làm ăn là điều vô cùng quan trọng. Nếu chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà bỏ qua chữ tín, coi như đang bỏ qua cái lợi lâu dài. Mong rằng qua câu chuyện nêu trên, các nông hộ có thể rút ra được cho mình những bài học cần thiết về chữ tín trong thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp, bảo đảm sự gắn kết trong chuỗi giá trị này để đôi bên cùng có lợi một cách bền sâu...