Dấu ấn ngành Nông nghiệp

(NTO) Ngày đầu tái lập, từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, giá trị thấp, đến nay, nền nông nghiệp tỉnh ta đã chuyển sang giai đoạn ứng dụng công nghệ cao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Nông nghiệp khẳng định được vị thế trụ cột của nền kinh tế khi tốc độ tăng trưởng bình quân 6-7% năm; giá trị sản xuất bình quân đạt trên 90 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 3 lần so với năm 1992.

Cơ cấu ngành Nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, một số mô hình hợp tác, liên kết chế biến, tiêu thụ được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nông dân xã Phước Trung (Bác Ái) mở rộng diện tích trồng cây bắp lai, mang lại hiệu quả cao.
Ảnh: V.M

Sau 25 năm nhìn lại để thấy, sản phẩm nông nghiệp đặc thù đã được chọn để ưu tiên đầu tư phát triển. Từ chủ động ban hành cơ chế, chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp đã hình thành nên các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Đối với sản xuất lúa, tỉnh đã chỉ đạo đổi mới phương thức sản xuất phù hợp với yêu cầu thực tế. Hoạt động liên kết sản xuất lúa sạch, lúa giống ở Ninh Phước, Ninh Hải… tạo sự “đột phá” về nâng cao giá trị gia tăng. Cũng trên cùng diện tích, nhưng thông qua HTX liên kết với doanh nghiệp sản xuất, nông dân tiết kiệm được công lao động, lợi nhuận tăng lên 30% so với phương thức canh tác nhỏ lẻ trước đây. Nhiều loại cây trồng có lợi thế được đưa vào sản xuất, hình thành khu tập trung ứng dụng công nghệ cao. Các sản phẩm đặc thù như: nho, táo, măng tây xanh, nha đam… có thương hiệu mạnh trên thị trường, được người tiêu dùng trên cả nước biết đến.

Không riêng gì trồng trọt, chăn nuôi cũng từng bước phát triển theo hướng trang trại, gia trại, gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ. Các mô hình chăn nuôi mới hình thành thể hiện tính linh hoạt, sáng tạo trong lao động sản xuất, phù hợp với điều kiện của nhiều gia đình ở nông thôn như mô hình nuôi dê, cừu dưới giàn nho, táo. Từ chủ trương đẩy mạnh cải tạo và nâng cao chất lượng vật nuôi, các giống bò, dê, cừu đã được nhập về lai tạo giống mới. Hiện nay, tỷ lệ bò lai đạt 39% tổng đàn, vượt 1% theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ XII đề ra. Dấu ấn trong chăn nuôi ở giai đoạn này là dần hình thành các khu sản xuất con giống, thịt bò, cừu… công nghệ cao. Hiện nay, trên địa bàn có tổng đàn gia súc 254.000 con, trong đó, dê, cừu 92.000 con, bò 89.000 con, cao gấp nhiều lần so với ngày tái lập tỉnh. Để thực hiện phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng bền vững, tỉnh đã xây dựng Quy hoạch đồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc tập trung. Theo đó, lộ trình từ nay đến năm 2020 phát triển đồng cỏ quy mô diện tích 1.900 ha. Quy hoạch tuân thủ mục đích đảm bảo mở rộng quy mô vừa chuyển giao giống cỏ mới có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng ở từng khu vực.

Chăn nuôi gia súc phát triển theo hướng trang trại, gia trại gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ. Ảnh: Sơn Ngọc

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Đạt được kết quả trên, ngành Nông nghiệp đã tập trung thực hiện tốt Đề án Cơ cấu lại ngành, tạo chuyển biến tích cực theo hướng chuỗi giá trị sản phẩm. Hoạt động đổi mới phương thức sản xuất, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đã hình thành nên nền nông nghiệp hiện đại. Để tiếp tục giữ vững thành tựu ở lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tập trung sà soát, điều chỉnh lại quy hoạch, gắn quy hoạch ngành với quy hoạch các xã nông thôn mới, hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ bằng cách tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết với doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 20-25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; giá trị 1 ha đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt từ 300 triệu đồng trở lên/năm; hỗ trợ, tạo điều kiện cho 2-3 doanh nghiệp phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.