Những sự kiện đáng nhớ ngày 25-2

1.Trong nước

* Ngày 25-2-1845: Ngày sinh ông tổ nghề tuồng Việt Nam - Đào Tấn

Đào Tấn quê ở làng Vĩnh Thịnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Mặc dù ông đỗ cử nhân, sau đó làm Tổng đốc Nghệ An, rồi Hiệp tá Đại học sĩ, nhưng điều làm nên tên tuổi Đào Tấn không phải là sự nghiệp chính trị mà là sự nghiệp sân khấu tuồng.

Sân khấu tuồng có ở Việt Nam từ rất sớm, nhưng chưa chuyên nghiệp. Đến thời Đào Tấn, bằng lòng say mê, tài năng và tâm huyết, ông góp phần đưa nghệ thuật tuồng Việt Nam đạt đến bước phát triển rực rỡ.

Ông đã để lại hàng trăm pho kinh điển và mẫu mực cho sân khấu tuồng. Ngoài ra, ông còn có công trong việc hoàn thiện âm nhạc tuồng, hệ thống hóa các vấn đề mỹ thuật sân khấu tuồng, từ trang trí, phục trang đến đạo cụ…

Ông qua đời ngày 28-8-1907.

* Ngày 25 đến 28-2-1943: Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhiều vấn đề quan trọng

Hội nghị nêu bật tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, coi chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn hiện tại.

Đặc biệt, Hội nghị đã thông qua “Đề cương vǎn hoá Việt Nam”, một vǎn kiện quan trọng về đường lối vǎn hoá của Đảng do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Vǎn kiện này đã góp phần mở ra một mặt trận trên lĩnh vực vǎn hoá, góp phần thu hút các lực lượng trí thức, các nhà vǎn hoá yêu nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và đặt nền móng xây dựng nền vǎn hoá mới.

* Ngày 25-2-1952: Kết thúc chiến dịch Hòa Bình

Sau khi thua trận trong chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950 và bị đánh mạnh ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, để giành lại thế chủ động trên chiến trường, quân Pháp đã chọn phương án đánh chiếm Hòa Bình. Chúng đã xây dựng hệ thống cứ điểm mạnh, hình thành hai tuyến phòng ngự dọc đường 6 và dọc sông Đà.

Nhận thấy đây là cơ hội để ta có thể tiêu diệt sinh lực địch, Bộ Chính trị và Tổng quân ủy quyết định mở chiến dịch tấn công lớn mang tên Hòa Bình.

Chiến dịch diễn ra từ ngày 10-12-1951 đến ngày 25-2-1952, giải phóng hoàn toàn khu vực Hòa Bình. Thắng lợi của Chiến dịch đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch của bộ đội ta. Đây cũng là chiến dịch lớn nhất của quân đội Việt Nam tính từ khi bắt đầu toàn quốc kháng chiến.

* Ngày 25-2-1964: Ngày mất nhà văn Lê Văn Trương

Lê Văn Trương sinh năm 1906 tại làng Đồng Nhân, nay là phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ông viết nhiều cho tờ: “Tiểu thuyết thứ bảy”, “Phổ thông bán nguyệt san”. Đề tài trong tiểu thuyết Lê Văn Trương rất đa dạng, là “một loại truyện phiêu lưu, ly kỳ của tầng lớp dân nghèo”.

Theo một số nhà nghiên cứu, Lê Văn Trương có khoảng 200 tác phẩm, nhưng hiện gia đình ông chỉ lưu giữ được 125 tác phẩm, gồm 96 cuốn đã in và 29 cuốn chưa in.

Các tác phẩm chính của ông: “Trường đời”, “Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích”, “Tôi là mẹ”, “Cánh sen trong bùn”, “Trong ao tù trưởng giả”…

* Ngày 25-2-2001: Hội An (Quảng Nam) đón nhận giải thưởng về bảo tồn di sản văn hóa

Tại Chùa Cầu, thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ đón nhận Giải thưởng kiệt xuất về bảo tồn di sản do tổ chức UNESCO trao tặng. Hội An là thành phố duy nhất ở châu Á vinh dự được nhận giải thưởng này.

Hiếm có nơi nào tập trung mật độ di tích dày đặc như Hội An, với hơn 1.350 di tích, trong đó hạt nhân cơ bản là quần thể di tích kiến trúc khu phố cổ được xem như một bảo tàng sống.

Hội An đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của một đô thị cổ. Từ năm 1999 đến 2014, Hội An đã đầu tư tu bổ 414 ngôi nhà với tổng kinh phí gần 189 tỷ đồng.

* Ngày 25-2-2011: Ngày mất Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn

Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn sinh ngày 2-5-1926, tại tỉnh Nghệ An.

Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu của ngành ngôn ngữ học Việt Nam và cũng là người có công lớn trong việc xây dựng chuyên ngành ngôn ngữ học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Ông được đánh giá cao trong các lĩnh vực Ngữ pháp tiếng Việt; Nghiên cứu chữ Nôm và chữ quốc ngữ; Lịch sử và phương ngữ tiếng Việt.

Với tài năng của mình ông đã được mời giảng ở Đại học Paris (Pháp); Đại học Cornell (Mỹ).

Năm 2000, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm ba công trình Ngữ pháp và Lịch sử tiếng Việt.

* Ngày 25-2-2013: Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón nhận hai bằng di sản đặc biệt

Đó là Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt và Bằng công nhận 82 bia Tiến sĩ là Di sản tư liệu thế giới từ UNESCO.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích lịch sử, văn hóa Nho học tiêu biểu bậc nhất của Thủ đô và cả nước.

Được thành lập từ thế kỷ XI, Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn giữ vai trò là trung tâm thờ tự, giáo dục Nho học lớn nhất, nơi đào tạo ra hàng nghìn bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước trong suốt thời kỳ phong kiến độc lập.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày nay vẫn giữ được kiến trúc cổ kính và nhiều hiện vật quý như gác Khuê Văn, bia Tiến sĩ, điện Đại Thành, tượng thờ, hệ thống hoành phi đại tự.

* Ngày 25-2-2016: Hát bả trạo được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hát bả trạo là một thể loại dân ca độc đáo trong kho tàng văn hóa dân gian xứ Quảng. Đây là loại hình nghệ thuật tổng hợp, một hình thức diễn xướng nghi lễ có sự kết hợp nhuần nhuyễn về nghệ thuật, nghi lễ, múa dân gian với âm nhạc dân ca truyền thống của không chỉ các nghệ nhân mà còn của cả cộng đồng cư dân vạn chài tham gia.

Hát bả trạo được tổ chức vào dịp lễ cầu ngư, lễ tế cá Ông vào đầu Xuân năm mới, trước hành trình ra biển của ngư dân các tỉnh miền Trung nói chung và của ngư dân Quảng Nam nói riêng, cầu mong mưa thuận gió hòa, đánh bắt được nhiều hải sản vươn tới cuộc sống ấm no, đầy đủ…

2.Thế giới

* Ngày 25-2-1778: Ngày sinh người anh hùng dân tộc Argentina José de San Martín

Ông sinh tại Yapeyú, Argentina. Năm 7 tuổi, ông được gửi tới học tại Madrid (Tây Ban Nha). Tại đây, ông kết bạn với Bernardo O'Higgins - sau này là lãnh tụ phong trào kháng chiến tại Chile.

Năm 1812, Martín trở về Argentina và tham gia trong lực lượng kháng chiến các tỉnh thống nhất ở vùng Nam Mỹ. Sau đó, tham chiến trong hàng loạt chiến dịch quân sự. Trong cuộc chiến tranh giành độc lập ở Nam Mỹ, ông trở thành lãnh tụ của nghĩa quân chống lại ách đô hộ của thực dân Tây Ban Nha.

Ông được xem là anh hùng dân tộc, vị thống soái của Argentina và Argentina đã lập một Huy chương mang tên ông - huy chương cao quý nhất của quốc gia này.

Ông mất ngày 17-8-1850 tại Boulogne, Pháp.

* Ngày 25-2-1836: Samuel Colt phát minh ra súng ngắn cá nhân có ổ đạn quay đầu tiên

Colt (1814 -1862) là nhà phát minh, sáng chế người Mỹ. Ý tưởng phát minh ra khẩu súng ngắn có ổ đạn quay (súng rulô hay súng Colt) đầu tiên đến với ông vào năm 1830 khi ông làm thủy thủ trên một chuyến tàu đến Ấn Độ. Năm 1835 ông hoàn thiện khẩu súng này và được cấp bằng phát minh vào năm 1836.

Sau đó, loại súng này được sử dụng rộng rãi trong các cuộc chiến tranh tại nước Mỹ. Từ năm 1850 loại súng này mới trở nên phổ biến trên toàn thế giới.

Nhà máy sản xuất súng “Colt Patent Arms” của Colt là một trong những nhà máy sản xuất súng lớn nhất thế giới.

* Ngày 25-2-1841: Ngày sinh của danh họa Pháp Pierre Auguste Renoir

Renoir sinh tại Limoges, Pháp. Lúc nhỏ, ông tiếp xúc với hội họa bằng việc vẽ trang trí các đồ sứ khi làm việc trong một xưởng sản xuất tại Paris. Sau này, ông học vẽ từ danh họa Thụy Sỹ Charles Gabriel Gleyre.

Renoir chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các họa sĩ Pháp Claude Monet và Eugene Delacroix. Ông thích vẽ cảnh bận rộn của những người bình thường và rất thành công trong việc vẽ chân dung. Ông nổi tiếng về sự hài hòa trong cấu trúc và đường nét, kỹ thuật xử lý ánh sáng và màu sắc. Trong cuộc đời mình, ông đã vẽ hơn 6.000 bức tranh.

Renoir mất ngày 3-12-1919 tại Cagnes-sur-Mer (Pháp).

* Ngày 25-2-1852: Ngày mất nhà thơ, nhà kinh tế nổi tiếng người Ireland Thomas Moore

Thomas Moore sinh ngày 28-5-1779 tại Ireland.

Năm 1799, sau khi tốt nghiệp trường Trinity College ở Dublin, Moore sang London (Anh). Một năm sau, Mo đã trở thành người nổi tiếng nhờ việc cho in bản dịch tập thơ “Thơ của Thomas Little đã quá cố”.

Năm 1815, Thomas Moore in tác phẩm lớn nhất của mình “Lalla Rookh”.

Năm 1830, ông ra mắt tác phẩm văn xuôi nổi bật nhất “Thư từ và nhật ký của Lord Byron”.

Ngoài ra, Thomas Moore còn được coi là một trong 100 nhà kinh tế vĩ đại của thế giới khi ông đã thể hiện những quan điểm kinh tế của mình trong tập thơ “Tiền, ngô và những tín đồ Công giáo” (năm 1828).

Ông mất ngày 25-2-1852 tại Anh.

* Ngày 25-2-1943: Ngày sinh ca sĩ, nhạc sĩ George Harrison

Harrison sinh tại Liverpool, Anh.

Năm 1958, ông cùng Paul Mc.Cartney và John Lennon thành lập ban nhạc rock “the Quarry Men” và sau đó đổi tên thành “The Beatles” vào năm 1960.

Trong ban nhạc The Beatles, Harrison chơi guitar, hát và viết nhạc. Mặc dù không nổi tiếng bằng John và Paul, nhưng Harrison cũng đã sáng tác một số ca khúc góp phần làm nên tên tuổi The Beatles như: Don’t Bother Me, While My Guitar Gently Weeps, Something và Here comes the sun.

Sau khi The Beatles tan rã năm 1970, Harrison tiếp tục sáng tác và rất thành công với solo album: All Things Must pass, Living in the Material World, Cloud Nine...

Harrison mất ngày 29-11-2001.

* Ngày 25-2-1986: Corazon Aquino trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Philippines

Bà Corazon Aquino sinh ngày 25-1-1933 tại tỉnh Tarlac, Philippines . Từ một người phụ nữ nội trợ trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Philippines, cũng là người phụ nữ đầu tiên ở châu Á nắm giữ chức vụ nguyên thủ quốc gia.

Bà Aquino được xem là biểu tượng của sự dũng cảm chính trị khi dẫn đầu cuộc nổi dậy được gọi là "quyền lực của nhân dân" lật đổ chế độ độc tài Ferdinand Marcos. Trong thời gian cầm quyền sáu năm, bà đã thảo ra một hiến pháp mới, qui định 1 nhiệm kỳ tổng thống 6 năm duy nhất và tiến hành một loạt cải cách được người dân ủng hộ.

Bà từng được Tạp chí Time bình chọn vào top 25 người phụ nữ quyền lực nhất thế kỷ XX.

* Ngày 25-2-2008: EU công bố mẫu thiết kế cho đồng xu 2 euro đặc biệt

Đó là mẫu thiết kế của George Stamatopolos - một nhân viên Ngân hàng trung ương Hy Lạp, được chọn ra từ 5 mẫu thiết kế đề cử do hơn 140.000 người dân tại 27 nước thành viên Liên minh châu Âu bình chọn qua mạng Internet.

Đồng xu đặc biệt với mệnh giá 2 euro được phát hành tháng 1-2009 để kỷ niệm 10 năm ngày đồng tiền chung châu Âu chính thức được lưu hành.

Khác với các đồng xu bình thường, đồng 2 euro đặc biệt này được thiết kế hai mặt giống nhau và có hình một người đàn ông cầm biểu tượng chữ “E” của đồng euro.

* Ngày 25-2-2013: Ấn Độ phóng thành công 7 vệ tinh lên quỹ đạo

Từ Trung tâm phóng vệ tinh Sriharikota ở bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ, Ấn Độ phóng thành công tên lửa đẩy PSLV do nước này sản xuất mang theo 7 vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất.

Trong số các vệ tinh này, đáng chú ý có vệ tinh “Lính canh bầu trời” của Cơ quan Không gian Canada với nhiệm vụ tìm kiếm các tiểu hành tinh có thể tới gần Trái Đất.

Ngoài ra, tên lửa đẩy của Ấn Độ còn mang theo 3 vệ tinh liên doanh với Pháp (SARAL), trong đó có 2 vệ tinh (ARGOS và ALTIKA ) của Cơ quan Không gian Pháp (CNES) có nhiệm vụ phân tích các dòng đại dương và chiều cao mực nước biển. Ba vệ tinh khác được đưa lên quỹ đạo gồm một vệ tinh của Đan Mạch, một vệ tinh của Anh và một vệ tinh khác của Canađa.

Đây cũng là sứ mệnh lần thứ 23 của tên lửa đẩy PSLV do Ấn Độ sản xuất.

* Ngày 25-2-2013: Canada phóng vệ tinh quân sự đầu tiên lên quỹ đạo

Canada đã phóng vệ tinh quân sự đầu tiên lên quỹ đạo cùng với một vệ tinh dân sự của nước này và 5 vệ tinh dân sự của các nước khác trên một tên lửa đẩy của Ấn Độ.

Vệ tinh quân sự mang tên “Sapphire” sẽ tăng cường khả năng bảo vệ các tài sản và lợi ích của Canada trong không gian, đồng thời theo dõi các vật thể do con người phóng lên quỹ đạo nhằm tránh xảy ra các vụ va chạm. Trong khi đó, Vệ tinh dân sự Giám sát các vật gần Trái Đất - NEOSSat - sẽ giúp quan sát các tiểu hành tinh, sao băng và những mảnh vỡ trong vũ trụ có thể va vào Trái Đất.

Kích cỡ nhỏ đến đáng ngạc nhiên của Sapphire và NEOSSat lần lượt bằng chiếc máy rửa bát và chiếc vali cho thấy sự phát triển vượt bậc của trình độ khoa học - kỹ thuật Canada, nước đi đầu trong việc phát triển các vệ tinh có kích thước nhỏ.

* Ngày 25-2-2014: Campuchia khởi động nhà máy nhiệt điện đầu tiên

Nhà máy nhiệt điện đầu tiên của Campuchia nằm tại Preah Sihanouk.

Nhà máy này có tổng công suất 100 megawatt với tổng vốn đầu tư 195 triệu USD do công ty trách nhiệm hữu hạn Năng lượng Capuchia xây dựng theo hình thức xây dựng - sở hữu - kinh doanh (build-own-operate) trong vòng 33 năm.

Sự ra đời của nhà máy này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm đói nghèo ở Campuchia thông qua việc tăng lượng cung ứng điện năng, giảm bớt phụ thuộc vào dầu thô và giảm giá điện, đồng thời đa dạng hóa thị trường năng lượng ở Campuchia.

Campuchia đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa điện về tất cả các làng bản trong nước và đến năm 2030 sẽ cung ứng điện cho tối thiểu 70% số hộ gia đình.

* Ngày 25-2-2015: Australia chế tạo động cơ máy bay ứng dụng công nghệ in 3D đầu tiên

Đây là bước đột phá do các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Monash công bố. Đột phá này sẽ mở đường tiến tới sản xuất những chiếc máy bay phản lực nhẹ hơn, giá thành rẻ hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Các động cơ trên được chế tạo dựa trên mẫu động cơ tuốc bin khí ga của hãng chế tạo động cơ máy bay Safran của Pháp. Các nhà khoa học Australia đã tháo rời một động cơ cũ và đưa các linh kiện qua máy quét. Với ứng dụng này, động cơ và các linh phụ kiện máy bay có thể được thử nghiệm và sản xuất trong vài ngày thay vì vài tháng như trước đây.

Thành tựu mới này đã thu hút sự chú ý của các tập đoàn và hãng sản xuất lớn, trong đó có hai hãng chế tạo máy bay khổng lồ là Boeing và Airbus.