Thế giới trong tuần

 1. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Bonn (Đức) trong hai ngày 16 và 17-2, được coi là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tới, nơi G20 tìm ra hướng tháo gỡ những thách thức to lớn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tiến tới mục tiêu góp phần định hình một thế giới kết nối. 

Kể từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 9-2016 ở Trung Quốc, thế giới chứng kiến nhiều biến đổi khôn lường, nền kinh tế thế giới cũng vì thế tiếp tục đối mặt với các thách thức cả mới và cũ, khiến tốc độ tăng trưởng chậm chạp, thương mại và đầu tư toàn cầu gặp nhiều khó khăn, trong khi G20 vẫn trong giai đoạn định hình hướng phát triển sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. 

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau khi nhậm chức đã quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phần nào đã tạo thêm những thách thức mới cho hệ thống thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, chủ nghĩa dân túy có xu hướng thắng thế tại nhiều nước, đặc biệt là những nước đang chuẩn bị bước vào các cuộc bầu cử quan trọng ở châu Âu, cũng khiến làn sóng phản đối quá trình toàn cầu hóa lan rộng, đồng thời khiến nhiều quốc gia quay sang những biện pháp bảo hộ thương mại trong nước, vốn bị coi là rào cản đối với động lực tăng trưởng. 

Việc nước Anh lựa chọn một kịch bản “Brexit cứng”, rời khỏi khu vực tự do thương mại của Liên minh châu Âu (EU) và giảm quan hệ xuống chỉ còn ở mức các thỏa thuận thương mại đơn thuần, được dự báo sẽ gây thiệt hại đáng kể cho cả nước Anh lẫn EU, 2 thành viên chủ chốt của G20.

Các chuyên gia đánh giá kinh tế thế giới năm 2017 dù phục hồi khả quan hơn năm ngoái, ước đạt 3,4%, nhưng sự phục hồi còn chậm và không đồng đều ở các lĩnh vực kinh tế. Tình hình trên đã khiến Đức, hiện giữ chức chủ tịch G20, chọn chủ đề xuyên suốt chương trình nghị sự của các hội nghị năm nay là “Định hình một thế giới kết nối”, trong đó ưu tiên 3 trọng tâm gồm: Tạo dựng nền tảng tự cường, tăng cường tính bền vững và tăng cường tính trách nhiệm. 

2. Tuyên bố của Thư ký báo chí Nhà Trắng về việc Tổng thống Mỹ đưa ra quan điểm mong muốn bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Ukraine đang gây phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga. Vụ việc này xảy ra trong bối cảnh hai bên đang dàn xếp cuộc gặp thượng đỉnh để bàn về quan hệ song phương.

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin hôm 15-2 tuyên bố, cần phải chấm dứt mọi câu chuyện liên quan đến việc tách rời Crimea ra khỏi thành phần của Liên bang Nga. Ông Volodin bày tỏ mong muốn Tổng thống Mỹ sẽ thực hiện đúng những lời hứa trước bầu cử về việc cải thiện quan hệ với Nga, hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.

Thư ký báo chí Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho rằng, trong bối cảnh hiện nay không nên vội vàng đưa ra những phán quyết bởi quan hệ Nga-Mỹ chưa được định hình cụ thể mà mới chỉ bắt đầu từ những tuyên bố qua lại về ý định xây dựng mối quan hệ. Theo ông Peskov, quan hệ Nga-Mỹ chỉ được chính thức định hình khi chính quyền mới của tân Tổng thống Donald Trump được thành lập đầy đủ và sau các cuộc gặp chính thức đầu tiên sắp tới giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao, hai Tổng thống hai nước.