Màu xanh mới trên vùng cao Phước Chiến

Vượt qua con đường men theo sườn núi uốn lượn, quanh co ngoạn mục phía Nam hồ Sông Trâu mênh mang nước, trước mắt tôi màu xanh mơn mởn tràn đầy nhựa sống của cây trồng hiện rõ dần. Đi giữa màu xanh ấy, tôi như cảm nhận rõ sự bứt phá mới của nông nghiệp, nông thôn miền núi Phước Chiến

TỪ THAY ĐỔI NHẬN THỨC …

Với diện tích tự nhiên 4.396,7 ha, chiếm 86% là rừng và đất rừng, Phước Chiến có 1.424,11 ha diện tích đất nông nghiệp bao gồm cả các nương rẫy xa rải rác trên đồi núi dốc, còn thực tế đất canh tác có thể dẫn nước hoặc bơm tưới được chỉ khoảng trên 200 ha, trong đó có 25 ha ruộng lúa 3 vụ (năng suất bình quân 4 tấn/ ha). Dẫn tôi đi xem cánh đồng lúa chuẩn bị gieo, anh Nguyễn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chiến hồ hởi nói: “Thành quả trước hết từ các mô hình thâm canh lúa nước là đã giúp chuyển đổi nhận thức, bây giờ bà con đã biết theo nước, bón phân, xuống giống đồng loạt đúng thời vụ để tránh sâu bệnh”.

        Nhà nước hỗ trợ máy cày giúp nông dân Phước Chiến
 đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp.

Từ khởi đầu cây lúa nước, nhiều mô hình sản xuất mới qua đầu tư của các chương trình, dự án về nông nghiệp đã giúp người dân Phước Chiến tiếp cận được với những tiến bộ khoa học-kỹ thuật. Bên cạnh lúa, bắp và đậu, những loại cây có giá trị kinh tế cao dần có mặt như điều, neem, mía, khoai mì cao sản và các loại cây ăn quả khác.

Là giáo viên từ miền xuôi lên công tác rồi gắn bó với vùng đất này, anh Nguyễn Nam đã nhận ra tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu của Phước Chiến. Nhưng để khai thác hiệu quả, anh hiểu rằng yếu tố hàng đầu là phải giúp người dân Ra glai địa phương thay đổi tập quán canh tác, không còn tư tưởng ỷ lại Nhà nước.

Bắt tay vào việc, anh vận động các nông dân thôn Ma Trai ra Khánh Hòa làm thuê ở các cánh đồng khoai mì để học tập kỹ thuật canh tác, sau đó dùng tiền công mua hom giống mì về trồng. Nhờ vậy diện tích trồng khoai mì đã nhanh chóng mở rộng. Mới đây, anh lại cử tiếp 17 thanh niên trong xã lên vùng Quảng Sơn, Hòa Sơn (Ninh Sơn) làm công, mục đích cho họ học cách thu hoạch mía, cách quản lý của các chủ mía giàu kinh nghiệm để về địa phương ứng dụng.  

… ĐẾN LÀM GIÀU TRÊN ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Ở thôn Tập Lá, tôi gặp anh Chamaléa Xưa, một nông dân đã trồng thành công 3 sào mía ngay trên nương rẫy đất dốc. Anh cho biết: “Sau khi tham quan mô hình trồng mía, được sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông, lần đầu tiên tôi thử đầu tư trồng, thật là cây mía đã chịu đứng chân trên đất rẫy của tôi, nếu chặt bán chắc mỗi sào cũng lãi được 3 triệu, không còn lo thiếu tiền ăn tết”.

Theo tìm hiểu của tôi, toàn xã Phước Chiến hiện có 54 ha mía, trong đó có 8 ha mía giống mới được hỗ trợ từ Dự án khoa học công nghệ nông nghiệp. Vụ thu hoạch đầu năm 2010, sản lượng mía cây đạt 1.200 tấn, phần lớn là bán cho Công ty Mía đường Phan Rang, bình quân nông dân lãi 25-30 triệu đồng/ha.

Từ cây mía đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân Ra glai biết khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế đất đai, vươn lên làm giàu, chẳng hạn ở thôn Ma Trai có ông Mấu Văn Tấn (trồng 2 ha mía) và ông Ka-tơ Nhớ (trồng gần 1 ha) đã xây dựng nhà cửa khang trang, sắm sửa đầy đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình. Nhưng làm ăn giỏi phải kể tới ông Chamaléa Vinh tại thôn Đầu Suối A, chỉ với 7 sào mía bơm tưới, sau 5 tháng trồng, ông chặt bán mía giống thu lãi 24 triệu đồng.

Khác với cây mía đang được trồng nhiều nơi trong xã Phước Chiến, cây khoai mì chỉ tập trung trồng tại thôn Ma Trai với diện tích gần 60 ha. Một cán bộ thôn Ma Trai khẳng định: “Trước đây có hàng chục hộ dân trong thôn trồng neem, điều đã thu nhập khá, nay có thêm mía và khoai mì đang tạo điều kiện cho nông dân cải thiện cuộc sống”. Được biết ở Ma Trai có nhiều nông dân nhờ cần cù làm ăn, biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên khá giả hẳn lên, điển hình như các nông dân Mấu Văn Vớ, Ka-tơ Lốc.

Đi dạo từ thôn Tập Lá qua thôn Ma Trai, tôi còn phát hiện trong màu xanh bạt ngàn của cây trồng, có cả những vườn cây ăn trái rợp bóng mát, trồng rải rác chuối, đu đủ, xoài, mít, mãng cầu, trôm lấy mủ…Chị Pi-năng Thị Niệm ở thôn Tập Lá, chủ một vườn cây diện tích 2 sào, chỉ cho tôi xem một quày chuối to sắp chín tới và nói: “Vườn nhà tôi chỉ trồng chủ yếu là chuối vì nó rất thích hợp, hàng năm tôi có thể thu được khoảng gần 10 triệu đồng tiền bán chuối”. Có thể nói dù giá trị kinh tế không cao nhưng vườn cây ăn trái cũng góp phần phụ trợ thêm thu nhập cho người dân miền núi.

Trước khi chia tay tôi, anh Nguyễn Nam tâm sự: “Sự đổi mới hoàn toàn bộ mặt nông thôn miền núi Phước Chiến đã chứng minh tác động của các chương trình 135, 134, các dự án nông nghiệp và các mô hình khuyến nông. Tôi tin rằng nếu tiếp tục vận động làm thay đổi nhận thức, thúc đẩy người dân tự lực làm ăn, Phước Chiến sẽ còn có thêm những tấm gương tiêu biểu cần cù, chịu khó, biết học hỏi vươn lên trong cuộc sống. Dẫu sao với kết quả đạt được bước đầu, Phước Chiến đã tìm ra hướng đi căn cơ cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn”.

Bạch Thương