Để rừng Krông Pha thêm xanh

Khu vực rừng đầu nguồn Krông Pha hiện có trên 5.000 ha đất nương rẫy. Do tập quán canh tác quảng canh, du canh của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương nên năng suất cây trồng trên đất rẫy không cao, việc đốt rừng làm rẫy góp phần làm suy giảm diện tích rừng.

Để khắc phục tình trạng đó, hai năm trở lại đây, BQL rừng phòng hộ Krông Pha triển khai trồng rừng thay thế trên đất rẫy, cụ thể là đưa cây mít ruột đỏ vào trồng rừng. Với sự tham gia tích cực của người dân, nhiều diện tích đất rẫy kém hiệu quả đang dần được phủ xanh, mang lại sức sống mới và mở ra triển vọng phát triển kinh tế bền vững cho người dân nơi đây.

HÀNH TRÌNH CÂY MÍT GHÉP LÊN NGÀN

Mít ruột đỏ là một loại cây đã từng được trồng thử nghiệm trên một số diện tích của vùng đất có thế mạnh về phát triển cây ăn trái Lâm Sơn. Hiệu quả của nó đã được minh chứng khi hàng chục ha mít sau 3 năm đã cho trái với chất lượng và sản lượng vượt trội. Chính vì thế, ngay sau khi được thành lập (năm 2009) và đóng chân trên địa bàn xã Lâm Sơn, BQL Rừng phòng hộ Krông Pha đã mạnh dạn đề xuất phương án đưa cây mít “ghép” lên “phủ xanh” theo Chương trình trồng rừng 661 của Chính phủ. Ông Phan Phú, Trưởng BQL rừng phòng hộ Krông Pha cho biết: “Chủ trương trồng cây mít ruột đỏ trên đất rừng Krông Pha là hướng đi rất thích hợp, bởi trước hết nó đảm bảo yêu cầu phủ xanh đất rừng phòng hộ đầu nguồn, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định từ rừng cho người dân vừa phù hợp với chủ trương của tỉnh và địa phương về phát triển thế mạnh vùng cây ăn trái của Lâm Sơn trong tương lai…”
Thế nhưng, để vận động người dân đồng tình, thực hiện đưa cây mít vào trồng trên rẫy của mình là điều không hề đơn giản, bởi đồng bào xưa nay vốn quen với tập quán canh tác lâu đời “đốt nương làm rẫy”, trồng cây lương thực ngắn ngày. Mặt khác, đồng bào chưa thực sự tin tưởng vào chủ trương trồng rừng, sợ rằng lâu dài sẽ bị Nhà nước thu hồi đất. Chính vì vậy, để vận động nhân dân tham gia trồng rừng, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu đúng chủ trương của Nhà nước, BQL rừng phòng hộ Krông Pha còn phải giải “bài toán” về quyền lợi thiết thực trước mắt cũng như lâu dài để người dân an tâm tin tưởng tham gia.
Với suy nghĩ đó, cùng với việc thực hiện chương trình hỗ trợ trồng rừng như: chi trả công vận chuyển cây, công đào hố, dọn thực bì, chăm sóc, bảo vệ và hỗ trợ lương thực hàng năm theo quy định của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trồng rừng, BQL rừng còn phân công cán bộ theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật, cấp phân bón ban đầu và cây giống tại rẫy cho bà con. Điều đáng ghi nhận là BQL rừng đã nỗ lực huy động các nguồn vốn vay để trả tiền công tham gia trồng rừng cho người dân sau mỗi tuần tham gia. Bên cạnh đó BQL rừng còn đứng ra thành lập các tổ, nhóm trồng rừng theo từng vùng để người dân có sự hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện.

NIỀM TIN “BIẾN” RẪY THÀNH RỪNG

Theo chân cán bộ BQL rừng tới thăm một số diện tích đất rẫy bà con đang triển khai trồng mới từ đầu mùa mưa năm nay. Điều dễ dàng nhận thấy đó là bà con đều rất phấn khởi, tin tưởng khi đưa cây mít trồng trên đất rẫy. Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, người dân tuân thủ đúng quy cách đào hố, làm cỏ, bón phân, tỷ lệ hàng cách hàng, cây cách cây rất “bài bản”. Anh A-xá Ha Bia ở thôn Gòn 2, có 7 sào đất rẫy. Do những năm gần đây thời tiết thất thường, đất đai bị xói mòn dần trở nên cằn cỗi, lại là vùng rẫy ở tận trên núi cao nên hiệu quả sản xuất không mấy hiệu quả. Lúc đầu chủ trương trồng rừng thay thế đưa ra, anh cũng như bà con không mấy mặn mà, nên có suy nghĩ để mặc cho cán bộ trồng rồi mình “hưởng” chứ không trực tiếp tham gia. Qua vận động của cán bộ lâm nghiệp và chính quyền địa phương, anh nhận ra rằng đây là chủ trương thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào mình nên đã tích cực tham gia, và nhận làm tổ trưởng tổ trồng rừng. Anh tâm sự: “Khi tham gia trồng cây trên chính rẫy của mình, mình không những được cho cây giống, được trả tiền công trồng và chăm sóc mà lâu dài còn được thu hoạch trái để bán, tạo thêm thu nhập, thay thế trồng cây lương thực kém hiệu quả, bởi vậy mình động viên bà con nên chủ động nhận cây về tự tay trồng và chăm sóc để cây phát triển tốt cho nhiều trái hơn trong vài năm tới”.
Qua thực tế, thực hiện chủ trương trồng rừng ở Krông Pha không chỉ tạo thêm niềm tin đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, mà còn mang lại lợi ích thiết thân cho chính người dân – đó là dần nâng cao nhận thức xóa bỏ các tập tục sản xuất lạc hậu, nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Qua đánh giá của BQL rừng ở đây thì trong năm 2010 số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần đã giảm đến 70%, đó là một dấu hiệu rất đáng mừng.

HƯỚNG MỞ TƯƠNG LAI

Qua 2 năm triển khai trồng rừng theo hướng mới này, đến nay đã có trên 200 ha rừng mít được trồng trên đất rẫy, trong đó có 160 ha trồng năm 2009 (vượt so kế hoạch đề ra 100 ha). Nếu như năm 2009, cây giống phải đặt hàng và mua ở tận Đồng bằng Sông Cửu Long với giá cao thì năm nay, BQL rừng đã chủ động ươm ghép giống tại chỗ với trên 7.000 cây và đã triển khai cho bà con nông dân ở 5 thôn: Gòn 1, Gòn 2, Tầm Ngân 1, Tầm Ngân 2, và Lập Lá trồng trên 2000 cây tại 40 ha đất rẫy. Qua vận động có gần 100% số hộ đăng ký tham gia trồng rừng thay thế. Trên cơ sở đó trong năm 2010 này BQL rừng phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng 140 ha rừng.
Đối với 160 ha đất rẫy đã trồng từ năm 2009, tại các tiểu khu 62, 73, 74, 78 và 81 thuộc lâm phần BQL rừng phòng hộ Krông Pha, nhờ “làm chủ” chăm sóc, bảo vệ của chính mình nên hiện nay cây mít sau một năm tuổi đang phát triển rất tốt, cây cao gần 2 mét, tỷ lệ cây sống đạt trên 85%. Theo cán bộ BQL rừng cho biết thì chỉ khoảng 2 năm nữa số diện tích này sẽ cho trái đầu vụ, tạo thêm nguồn thu cho người trồng rừng. Hiện trên những diện tích này, người dân vẫn kết hợp trồng xen canh cây bắp, đậu vừa tạo thêm thu nhập vừa góp phần bảo vệ và chăm sóc cây mít phát triển tốt.
Ông Phan Phú cho biết thêm: “Năm nay cũng là thời điểm kết thúc thực hiện chương trình trồng rừng 661. Tuy nhiên trong thời gian tới dự án JAICA của Nhật Bản đã đồng ý đầu tư vốn phát triển lâm nghiệp vào tỉnh ta và UBND tỉnh đã ưu tiên dành 50% kinh phí dự án này thực hiện tại Rừng phòng hộ Krông Pha. Theo đó, dự án sẽ hỗ trợ để BQL rừng nâng độ che phủ rừng lên bằng việc tiếp tục đẩy mạnh phương án trồng rừng thay thế trên diện tích đất nương rẫy còn lại. Đó cũng là cơ sở để tạo vùng nguyên liệu đủ đáp ứng cho yêu cầu xây dựng nhà máy chế biến mít tại Lâm Sơn trong tương lai… Hiện nay, BQL Rừng phòng hộ Krông Pha đang có hướng phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp xúc tiến việc kêu gọi đầu tư xây dựng thương hiệu Mít Lâm Sơn và xây dựng nhà máy chế biến mít nhằm ổn định đầu ra, tạo đà phát triển kinh tế bền vững khi biến rẫy thành rừng.