Xã … 70 tỉ đồng

“Phước Diêm là xã tỉ phú tàu thuyền” hảo danh này hẳn không quá ngoa, bởi hiếm địa phương nào trong tỉnh lại có tổng doanh thu hằng năm lên đến trên 70 tỉ đồng và mức thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 6 triệu đồng…

XÃ CỦA TRÙNG KHƠI

Trên dặm đường thiên lý Bắc – Nam, qua vùng nắng gió tỉnh ta, Phước Diêm (Thuận Nam) được du khách trong và ngoài nước biết đến là một vùng sơn thủy hữu tình, với bãi biển Cà Ná được xếp vào hàng “top ten” những bãi tắm đẹp nhất Việt Nam và sản phẩm nước mắm nức tiếng thơm ngon. Tuy nhiên, chắc chắn rằng không phải ai cũng biết hảo danh “Phước Diêm là xã… tỉ phú tàu thuyền”. Minh chứng cho hoa từ này là toàn xã có đến hơn 720 tàu thuyền đánh bắt thủy sản, trong đó số có công suất lớn 100– 500 CV xấp xỉ 400 chiếc, còn lại 60-90CV.
Nằm ở vị trí “đắc địa” trên dọc dài hơn 105km bờ biển của tỉnh ta, Phước Diêm được thiên nhiên ưu ái vũng nước sâu rộng lớn hàng trăm ha để xây dựng bến cá và cầu cảng có công năng lớn. Sự thuận lợi này đã tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển theo chiều hướng “vươn ra khơi xa” để làm giàu.

Nói đến Phước Diêm, người ta nghĩ ngay đến nghề đánh bắt cá cơm truyền thống ở xã biển này. Lão ngư Phạm Đứng – một trong những người đầu tiên cải tiến nghề đánh bắt cá cơm bằng kỹ thuật tiên tiến ở Phước Diêm từ hơn 20 năm trước, cho biết: Trước kia ngư dân địa phương chủ yếu sống bằng các nghề vây rút chì, mành, câu mực… nên thu nhập rất hạn hẹp, thậm chí lỗ vốn nếu đầu tư tàu thuyền đúng mức. Từ khi nghề được cải tiến thì đời sống của bà con khá hẳn lên, thậm chí làm giàu. Mỗi chuyến ra khơi trở về nhiều tàu cập cảng với hàng chục tấn cá trong khoang. Theo ông Đứng, nghề đánh bắt cá cơm truyền thống được ngư dân Phước Diêm học hỏi, cải tiến sau nhiều năm bám trụ với biển.
Tôi đã từng trò chuyện với nhiều lão ngư phủ thuộc hàng tỉ phú ở Phước Diêm như Triệu Ba, Nguyễn Văn Bông, Trương Văn Tốn… Họ đang sở hữu những đoàn tàu trị giá hàng tỉ đồng. Ông Tám – một trong những lão ngư “top ten” của địa phương tự hào bảo khoảng những năm cuối của thập niên 90 (thế kỷ trước), ai có tàu 45-50 CV được xem là… “có cỡ” rồi. Nhưng bây giờ, loại mã lực này chẳng… “ăn thua gì”, chỉ loanh quanh trong vùng, khoảng độ 5-7 hải lý là… “hết hơi”!
Người dân Phước Diêm tất thảy đều nói rằng nếu muốn làm giàu từ trùng khơi phải học hỏi kinh nghiệm của lão ngư phủ Phạm Đứng. Khi tha phương đến Phước Diêm, vào năm 1973, ông Đứng chỉ là người làm thuê với hai bàn tay trắng. Chí thú làm ăn, dành dụm mãi mới sắm được chiếc ghe nhỏ, đánh bắt ven bờ. Nhưng bằng kinh nghiệm dày dạn của “người con của biển”, ông Đứng từng bước phát triển vững chắc, đúng hướng nghề nghiệp. Từ khi Nhà nước áp dụng chính sách “mở cửa” thông thoáng, nhiều ngư dân ở Phước Diêm đã mạnh dạn vay vốn, đóng tàu lớn để hành nghề. Như các ông: Ba, Bông, Đứng, Tám chẳng hạn. Hiện mỗi người đã là chủ của những đội tàu công suất lên đến 110-450 CV…

XÃ CỦA NGHỀ “ĐỘC”:
HẤP CÁ CƠM!

 Dân gian vốn dĩ có câu “Nghề dạy nghề”, điều này quả không sai với làng biển Phước Diêm.
Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm ngư dân Phước Diêm đánh bắt trên dưới 30.000 tấn cá cơm. Trước đây, lượng cá này chủ yếu được bán buôn dưới dạng sản phẩm tươi sống, một phần dùng để làm nước mắm. Khoảng mười lăm năm trước, từ những vụ Nam “trúng mánh”, cá dội chợ, một số ngư dân địa phương đã nghĩ đến việc “làm chín” sản phẩm để bán. Nghề hấp cá ra đời từ đó.
Anh Thịnh – một trong những chủ lò hấp cá đầu tiên ở Phước Diêm – kể: Khoảng năm 1998-1999, cả gia đình bốn miệng ăn chỉ trông nhờ vào chút tiền chạy xe ôm của anh nên kinh tế rất chật vật. Nhờ người thân cho vay mượn, anh mạnh dạn mở lò hấp cá, với tiền vốn vỏn vẹn hơn chục triệu đồng. Hơn mười năm trong nghề, đến nay tài sản của gia đình anh đã ngót nghét 700-800 triệu đồng.
Trường hợp của anh Thịnh không phải là hiếm ở  Phước Diêm. Số liệu khảo sát cho biết, hiện toàn xã có gần 100 lò hấp cá, trong đó số có quy mô lớn chiếm khoảng 50%. Nếu trời êm – biển lặng, nguồn nguyên liệu ổn định, bình quân mỗi lò hấp cá “xuất xưởng” vài ngàn tấn mỗi năm, lãi ròng ước tính đến con số trăm triệu đồng. Vào vụ chính, mỗi cơ sở hấp cá cần 30-40 lao động. Từ ngày làng nghề cá hấp hình thành, hàng ngàn lao động nhàn rỗi ở địa phương có thêm việc làm với mức thu nhập ổn định 1.000.000– 1.500.000 đồng/tháng.
Chị Trần Thị Bước – một chủ lò – “khoe” với tôi rằng cá hấp Phước Diêm từ nhiều năm qua đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường cả nước, đặc biệt là ở Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc. Những năm gần đây, nhiều chủ lò đã mạnh dạn giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… với số lượng xuất bán vài ngàn tấn cá thành phẩm mỗi năm.
Khách viễn phương, một lần nào đó ghé thăm Phước Diêm, sẽ phải ngạc nhiên về sự trù phú của vùng biển “sơn thủy hữu tình” này. Từ sớm tinh mơ, trên các bãi cá, bến tàu đã tấp nập thuyền nghề. “Làng cá hấp” không lúc nào vắng bóng thương nhân trong, ngoài nước đến ký hợp đồng mua cá. “Biển không phụ người nếu người không bỏ biển” chính vì vậy mà Phước Diêm nhiều năm qua vẫn giữ vững danh hiệu xã giàu nhất tỉnh, với tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới mức 3%...