Nước về tưới mát đồng khô

Trên dặm đường thiên lý Bắc – Nam, Ninh Thuận- vùng đất cuối cùng của cực Nam Trung bộ - được biết đến như tiểu vùng sa mạc của cả nước. “Hạn hán, đồng khô cỏ cháy” của bảy, tám năm trước, giờ đây có chăng chỉ còn trong ký ức. Hơn năm năm qua, dòng xanh của những công trình thủy lợi đã làm hồi sinh nhiều vùng đất khô cằn sỏi đá. Sức sống mới đã và đang hiện diện trên khắp các miền quê nghèo trong tỉnh, từ miền xuôi đến những thôn xóm hẻo lánh, xa xôi…

KHÔ CẰN, CHỈ LÀ QUÁ KHỨ…!

Sự khắc nghiệt vốn có của thời tiết trên vùng cát cháy Ninh Thuận, khiến hàng trăm người dân trong tỉnh mãi quẩn quanh với đói nghèo từ bao đời nay. Gần mười năm trước, ít nhất hơn 1/2 diện tích đất canh tác ở các huyện Thuận Bắc (thuộc Ninh Hải trước khi được tái lập), Bác Ái, Thuận Nam (trước đây là huyện Ninh Phước) và những xã vùng sâu, vùng xa của Ninh Sơn, Ninh Phước thuộc loại bạc màu vì thiếu nước. Mãi đến những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, năng suất lúa một vụ ở những vùng này chỉ vào khoảng 18-20 tạ/ha. Người dân địa phương muốn kiếm thêm thu nhập bằng cây màu cùng lắm trồng được vài ba loại, nhưng năng suất… gọi là.
Tranh thủ các nguồn vốn của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, tỉnh ta hiện đã hình thành một hệ thống thủy lợi đầu mối rộng khắp ở hầu hết các địa phương. Những dòng xanh đã và đang tưới mát nhiều cánh đồng khô hạn. Kết quả của hành trình vượt khó ấy tạo nên một “Ninh Thuận hôm nay”: xóm làng sung túc, đượm sắc hơn, sự sống mỗi ngày qua lại thêm tươi mới.
…Xin được bắt đầu từ công trình thủy lợi hồ Tân Giang (Ninh Phước). Thời điểm 1997, khi dự án này được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 97 tỉ đồng, Tân Giang được đánh giá là hồ “chiến lược” của tỉnh, dù thể tích thiết kế chỉ 13 triệu m3. Hảo danh “chiến lược” có được ấy chính là khả năng chủ động tưới cho 3.000 ha đất nông nghiệp của các xã Nhị Hà, Phước Hữu, Phước Dân, An Hải…; đồng thời là nguồn nước uống cho hàng chục ngàn gia súc của địa phương.
Trước năm 2002, xã Nhị Hà (trước đây thuộc huyện Ninh Phước, nay được chia tách về Thuận Nam) được ví như “chiếc nôi” nghèo khó với hơn 50% dân số thường xuyên được cứu đói vào mùa giáp hạt. Nhưng nay, diện mạo của địa phương này đã khởi sắc thấy rõ. Nguồn nước Tân Giang là điều kiện để nông dân khai thác tiềm năng ruộng vườn, chăn nuôi gia súc, phát triển kinh tế gia đình. Lão nông Trương Văn Hồng, phấn khởi bảo chuyện đất cằn, đất bạc là của… “ngày xưa”. “Nước nôi đầy đủ nên chuyện chính của bà con bây giờ là lựa chọn cây gì để trồng cho hiệu quả…” ông Hồng nói vậy.
Hơn mười năm trước, khi đề cập đến những địa danh Phước Kháng, Phước Chiến, Lợi Hải… của huyện Ninh Hải (nay thuộc Thuận Bắc), người người nghĩ ngay đến cụm từ “tiểu vùng sa mạc”. Anh Chamaléa Tun – một cư dân ở thôn Ấn Đạt (Lợi Hải)- bảo gia đình anh có hơn 3 sào ruộng nhưng mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa. Hơn 6 tháng nông nhàn, cả vợ lẫn chồng phải đi làm thuê để nuôi 3 con nhỏ. “Bây giờ có nước của hồ Sông Trâu về, ruộng nhà mình làm được 2 vụ lúa rồi. Đám rẫy bắp cũng tốt luôn…” anh Tun chia sẻ niềm vui.
Có dịp hãy về Phước Chiến để thấy rằng xã vùng cao này nay đã khoác chiếc áo mới. Những ngôi nhà ngói khá khang trang với không ít vật dụng tiện nghi (ti-vi, xe máy, bàn ghế salon…) của bà con Ra glai địa phương được che phủ bởi từng tán cây ăn trái trong vườn nhà, trông thật đầm ấm. Tuy chưa trù phú nhưng những gì có được hôm nay ở Phước Chiến và “người anh em láng giềng” Phước Kháng khởi nguồn từ tiểu dự án tái định cư cho hơn 500 hộ đồng bào dân tộc Ra glai của địa phương, thuộc công trình hồ thủy lợi Sông Trâu. Suối Sừng Trâu chảy không bao giờ cạn là mạch nguồn chính làm nên công trình thuỷ lợi hồ Sông Trâu hùng vĩ phía hạ nguồn, với thể tích xấp xỉ 32 triệu m3. Theo báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi Ninh Thuận, sau khi hoàn thành vào giữa cuối năm 2005, hồ này đảm bảo tưới ít nhất 2.500 ha lúa ba vụ và hàng trăm ha cây trồng các loại.
Ông Trần Thanh – một lão nông tri điền ở xã Công Hải, giáp ranh Phước Chiến – chỉ tay về cánh   đồng hơn 5 sào của gia đình ở phía xa xa, cười sảng khoái: “Nhà báo thấy đó, xanh quanh năm. Nông dân tụi chú có người còn tận dụng nguồn nước (dẫn về qua hệ thống kênh mương – NV) để đào ao nuôi cá, nuôi chình kiếm thêm thu nhập.”
Ngày khánh thành hồ Sông Trâu (2005), anh Võ Đại, nguyên Trưởng ban ngành hạ tầng NNNT tỉnh – nói “văn chương” rằng cuộc sống nông thôn vùng hưởng lợi của dự án này rồi sẽ “thay đổi theo từng con nước”.
Sau Sông Trâu là hồ Sông Sắt với xấp xỉ 69 triệu m3 nước được tích, ví như “con rồng xanh” đánh thức giấc mơ… Chapi của người dân Ra glai vùng đại ngàn Bác Ái. Không chỉ chủ động tưới hơn 4.000 ha đất của các xã Phước Thành, Phước Thắng, Phước Chính và một số vùng thuộc huyện Ninh Sơn, quan trọng hơn, công trình còn đảm nhiệm việc cắt giảm lũ quét ở khu vực hạ nguồn.

TƯƠNG LAI RỘNG MỞ

Còn nhớ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, một lần cùng đoàn công tác của Chính phủ về làm việc với tỉnh đã chỉ đạo, như một trong những hoạch định chiến lược phát triển KT-XH địa phương, rằng Ninh Thuận cần chú trọng, tập trung nguồn lực đầu tư thủy lợi và giao thông. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lưu ý vấn đề xây dựng hồ đập, kênh mương tưới tiêu phải được ưu tiên hàng đầu trong ngành NN-PTNT.
“Giấc mơ nước” của tỉnh ta giờ đây về cơ bản đã thành hiện thực. Một hệ thống thủy lợi đầu mối – dẫu chưa liên hoàn như mong ước của toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà – nhưng đã trải đều ở các địa phương. Với hơn 100 công trình hồ, đập, kênh mương được xây dựng trong hơn 10 năm trở lại đây là minh chứng thuyết phục nhất. Một số hồ tuy có quy mô nhỏ như: Ông Kinh, CK7, Nước Ngọt, Thành Sơn nhưng đã… “bao sân” ít nhất 1.000 ha lúa, hoa màu ở những vùng hạ lưu thuộc các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Bắc. Theo thống kê sơ bộ của ngành NN-PTNT tỉnh, với hệ thống hồ thủy lợi hiện có, công năng tưới ổn định lên đến xấp xỉ 65.000 ha; đồng thời cung cấp nước uống trên 100.000 con gia súc và nước sinh hoạt gần 300.000 dân. Thủy lợi đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, đưa năng suất lúa bình quân của tỉnh lên gần 5 tấn/ha/vụ, cá biệt có vụ lên đến 6 tấn/ha (trước năm 2000, con số này chỉ tầm 3-3,5 tấn/ha/vụ). Riêng năng suất cây màu các loại, nếu gặp thời tiết thuận lợi, tăng bình quân 10-15%.
Niềm vui được mùa của nông dân trong những năm gần đây đã rõ, nhưng lãnh đạo tỉnh và ngành NN-PTNT không tự hài lòng với những gì có được. Ngày 8/8/2010, hồ Tân Mỹ ở Phước Hòa (Bác Ái) được khởi công xây dựng. Đây là công trình thủy lợi có quy mô lớn nhất khu vực duyên hải miền Trung, tính đến thời điểm này, có thể tích lên đến hơn 203 triệu m3 với tổng vốn đầu tư 3.800 tỉ đồng. Theo kế hoạch, khi công trình hoàn thành (vào năm 2015) sẽ tưới trực tiếp cho 4.380 ha đất của Bác Ái, Ninh Sơn và tiếp nước cho hệ thống thuỷ nông Nha Trinh - Lâm Cấm, đồng thời cấp nước nuôi trồng thuỷ sản 1.632 ha, dân sinh, góp phần cải tạo môi trường sinh thái, giảm nhẹ lũ hạ lưu, phát triển bền vững vành đai kinh tế các vùng phụ cận.
Theo tính toán, 2 năm tới, khi 5 hồ thuộc dự án thủy lợi vừa - nhỏ và một số hồ khác như Sông Biêu, Lanh Ra (Ninh Phước), Trà Co (Ninh Sơn), Bà Râu (Thuận Bắc) tiếp tục hoàn thành thì tổng diện tích đất sản xuất ổn định nước vượt lên con số 100.000 ha.
Vâng! Nước về, nước mãi về, sẽ xóa đi nỗi nhọc nhằn của ít nhất gần 400.000 người dân quê Ninh Thuận sau nhiều năm tần tảo. Đất cằn sẽ xanh hơn, cây trái sẽ đơm bông nhiều hơn khắp ruộng đồng, vườn rẫy để ôm trọn đời người.
Xin được kết thúc bài viết này bằng tâm sự của đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Thủy lợi hoàn chỉnh cũng có nghĩa là những câu chuyện về chính sách “tam nông” đã bắt nhịp đời sống thôn quê, niềm vui của bà con chắc chắn được nhân lên…”