VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Giải pháp khắc phục thiếu hụt nguồn nước cho sản xuất!

(NTO) Là tỉnh có lượng mưa trung bình thấp nhất cả nước nên tình trạng thiếu hụt nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thường xuyên xảy ra, nhất là những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán kéo dài trên diện rộng làm thiệt hại không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhiều nông hộ.

Ngoài nguồn nước từ hệ thống thủy điện Đa Nhim, toàn tỉnh có 21 hồ lớn nhỏ với dung tích thiết kế trên 194,27 triệu m3 để tưới cho trên 14.642 ha đất canh tác trong vùng hưởng lợi. Tuy nhiên, so với tổng nhu cầu dùng nước tại các vùng hưởng lợi từ 21 hồ chứa đã nêu thì vẫn còn thiếu đến 171 triệu m3… Cho nên, áp dụng mô hình tưới tiết kiệm vẫn là giải pháp hàng đầu để có thể bù đắp một phần nhu cầu nước đang còn thiếu. Thật ra, không phải đến nay mới đặt ra vấn đề này mà trước đó đã có một số hộ dân trên địa bàn tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp nhưng chủ yếu vẫn do tự phát, chưa có định hướng của cơ quan chuyên môn. Từ năm 2007 đến nay, các sở, ngành, địa phương, các hội, đoàn thể chủ động tìm kiếm, tranh thủ nguồn hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức quốc tế,... đã triển khai thực hiện được 24 mô hình sản xuất áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Chỉ tính đến năm 2016 này, các mô hình được ứng dụng trên hơn 7.065 ha, bao gồm các loại cây trồng như: lúa, mía, cây ăn quả (nho, táo, thanh long, xoài, mãng cầu), rau màu các loại... trong đó có hơn 6.155,4 ha lúa với 11.743 hộ tham gia. Diện tích còn lại là cây trồng cạn với gần 708 ha. Về mặt hiệu quả cho thấy, trên cây lúa với diện tích đã nêu hàng năm tiết kiệm được từ 14,6 đến 18,9 triệu m3, hoặc từ 2.372 đến 3.070m3/ha/vụ; cây táo giảm được 20-30% nhu cầu nước; hay như cây nho, mô hình tưới nhỏ giọt đã tiết giảm 20-30% lượng nước, giảm 60% công tưới, 30% phân bón…nhưng vẫn cho năng suất cao, lợi nhuận tăng 12%; cây công nghiệp như mía áp dụng tưới tiết kiệm đã giảm 30-50% lượng nước tưới, 30% lượng phân bón, không những vậy lợi nhuận cũng tăng đáng kể…

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) áp dụng hiệu quả mô hình tưới tiết kiệm nước. Ảnh: Sơn Ngọc

Có thể nói, từ hiệu quả thực tế áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước nên nhận thức của người dân tại nhiều vùng, địa phương đã có những chuyển biến tích cực, không ít hộ đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, góp phần giảm đáng kể lượng nước tưới, mở rộng diện tích sản xuất, giảm đáng kể chi phí sản xuất, đồng thời tăng thu nhập, cải thiện đời sống…Điều này rất có ý nghĩa trong điều kiện biến đổi khí hậu khó lường hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm còn khó khăn như nhiều nông hộ trong tỉnh quy mô sản xuất còn nhỏ, lẻ nên thiếu vốn đầu tư, mặt khác việc áp dụng mô hình này còn đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất nên nông hộ chưa mạnh dạn làm. Điều cũng đáng lo ngại là tập quán sản xuất theo lối tưới truyền thống còn khá phổ biến nên…ngại áp dụng mô hình tưới tiết kiệm…Khó khăn nữa là lãnh đạo một số ngành, địa phương chưa thấy được tính cấp thiết của việc tiết kiệm nước trong sản xuất nên quan tâm chưa đúng mức, thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo triển khai của ngành, địa phương.

Xác định việc đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước là một trong những giải pháp quan trọng, cấp bách, lâu dài để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy khóa XIII. Mới đây tại Hội nghị chuyên đề tưới tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch tổ chức đánh giá hiệu quả từng loại công nghệ tưới tiết kiệm nước trên từng loại cây trồng đặc thù, đặc sản của tỉnh (từ 5-7 loại cây trồng); đồng thời, trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá toàn diện những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện những cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xây dựng Đề án về cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh để huy động nguồn lực, lồng ghép nhiều nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp, trong đó có chính sách hỗ trợ tưới tiết kiệm nước và một số nội dung trọng tâm, cấp bách, phù hợp thực tiễn như hỗ trợ ứng dụng khoa học vào sản xuất, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng,... nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII...

Giải pháp được xem là đã rõ, thiết nghĩ vấn đề còn lại là quyết tâm thực hiện của các ngành liên quan, các địa phương và nhận thức mới trong sản xuất từ tiết kiệm nước đến chuyển đổi cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm…của các nông hộ.