Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

(NTO) Ngày 10-10-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Với mục tiêu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao vào một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phục vụ tốt việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.

► Nhìn lại công tác lai tạo, chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi

Đầu tư nghiên cứu, lựa chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu nắng nóng ở tỉnh ta là khâu then chốt nhằm thực hiện mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Xác định tầm quan trọng lĩnh vực này, hằng năm tỉnh dành một phần kinh phí nhất định để hỗ trợ, chuyển giao giống mới cho nông dân sản xuất, nổi lên là đã lựa chọn, tạo giống nho, cừu mang đặc thù riêng.

 
Nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) phát triển cây táo đạt hiệu quả kinh tế cao.  Ảnh: V.M

Đối với cây nho, kết quả đáng kể gần đây nhất là lai tạo thành công giống nho chịu hạn NH01-152. Đây là sản phẩm của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp vừa trồng thử nghiệm thành công ở xã Xuân Hải (Ninh Hải), có khả năng thay thế giống cũ bởi màu đỏ tươi, hương vị đặc trưng, ít hạt. Không phải bây giờ, trước đó chương trình lai tạo, chuyển giao giống nho mới cũng được chú trọng. Năm 2004, với quyết tâm thay thế dần giống nho đỏ đã thoái hóa, ngành Nông nghiệp du nhập, khảo nghiệm, sản xuất thử nhiều giống nho ăn tươi, sấy khô và làm rượu. Tại thời điểm hai giống nho ăn tươi NH 01-48 và Black Queen chuyển giao cho nông dân sản xuất đại trà đã khẳng định về năng suất, chất lượng, ít sâu bệnh và giá cao hơn so với giống nho đỏ, tạo “bước ngoặt” cho nghề trồng nho phát triển theo hướng bền vững. Chỉ sau một thời gian ngắn, các giống nho này được nhân rộng thành những vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP như ở Khánh Hải (Ninh Hải), Văn Sơn (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), Phước Thuận (Ninh Phước)…, tạo nên thương hiệu nho sạch có mặt trên thị trường cả nước.

Hoạt động nghiên cứu không chỉ dừng lại ở việc lai tạo giống nho ăn tươi, mà còn mở rộng sang chuyển giao giống nho rượu thông qua Dự án “Sản xuất thử các giống nho rượu gắn với chế biến rượu vang chất lượng cao” triển khai vào cuối năm 2012. Qua khảo nghiệm, giống nho Shiraz dùng làm rượu vang đỏ và giống nho Sauvignon-Blanc dùng làm rượu vang trắng, sâm-banh có nhiều ưu điểm vượt trội đó là dễ trồng, khả năng kháng sâu bệnh cao, thời gian cho quả ngắn, năng suất từ 15-20 tấn/ha/vụ, mỗi năm có thể sản xuất được ba vụ. Mới đây, nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) hợp tác với Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng trồng nho rượu áp dụng công nghệ cao tạo bước đột phá mới.

 
Nông dân xã Phước Vinh (Ninh Phước) trồng cây bắp lai mang lại hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: Bạch Thương

Lĩnh vực chăn nuôi, thành công nhất là đã lai tạo được giống cừu thích nghi với điều kiện nắng nóng. Ngành chức năng, các địa phương đang tăng cường Chương trình lai tạo giống cừu Dorper và White Suffolk của Úc có khả năng kháng bệnh cao, tăng trọng nhanh, cho nhiều thịt, đã góp phần đưa nghề nuôi cừu lên tầm cao mới. Hiện nay, tỉnh ta có tổng đàn cừu lớn nhất nước, với gần 87 ngàn con, tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam, Thuận Bắc. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông nghiệp, đến năm 2020 quy mô đàn cừu lên đến 190 ngàn con. Để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đem lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai Dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm thịt cừu”, khẳng định giống cừu Ninh Thuận chất lượng bậc nhất trên toàn quốc.

Nhìn lại chương trình lai tạo, chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi có thể thấy các đơn vị, tổ chức luôn hướng trọng tâm nghiên cứu vào các sản phẩm thích ứng với điều kiện khí hậu nắng nóng ở tỉnh ta, qua đó tạo ra các sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế cao. Trong đợt hạn hán từ năm 2014 đến nay, ngành Nông nghiệp đã biến cái bất lợi thành có lợi bằng cách thực hiện chương trình đưa giống cây trồng ít sử dụng nước vào sản xuất trên quy mô lớn. Đơn vị đi đầu là Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố đã chuyển giao giống đậu xanh ĐX 208 cho nông dân sản xuất đại trà trong vụ hè-thu 2016. Đặc điểm của giống này là chín sớm, thích hợp với các mùa vụ trong năm, thời gian gieo đến thu hoạch là 70-75 ngày, sinh trưởng tốt, ra hoa tập trung, sai quả, hạt to, khối lượng 1.000 hạt đạt 65-70g, năng suất đạt bình quân 1,2-1,5 tấn/ha. Ngoài ra, các giống cây trồng chịu hạn khác cũng đã được đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả cao như giống bắp lai đơn VN 8960. Đặc điểm nổi trội của giống bắp lai đơn là sử dụng ít nước, thích hợp với nhiều xứ đồng, kháng được sâu bệnh, trái to, hạt đều, cây cứng, năng suất cao, trên 7 tấn/ha, trong điều kiện thâm canh có thể đạt 10 tấn/ha.

Có thể nói, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao các loại giống cây trồng, vật nuôi thời gian qua đã góp phần tích cực vào thực hiện có kết quả chương trình tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy vậy, việc đưa giống mới vào sản xuất còn gặp khó khăn do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tập quán canh tác lạc hậu của đại đa số nông dân. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Các đơn vị, địa phương đang ra sức thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là tiếp tục chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc thù của tỉnh, đáp ứng yêu cầu của thị trường; đồng thời, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao.