VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản!

(NTO) Có thể nói, tỉnh ta có nhiều mặt hàng nông sản mang tính đặc thù mà chỉ riêng có trên vùng đất thừa nắng nhưng thiếu mưa, hay nói khác hơn là khô hạn nhất so với cả nước. Có thể kể tên một số sản phẩm như nho, táo xanh, tỏi, dê, cừu...hiện đã được nhiều người trong nước biết đến và ưa chuộng bởi không chỉ ở độ ngon mà còn niềm tin vào sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm…

Cân phân mà nói, những năm gần đây tỉnh ta đã rất quan tâm, chỉ đạo ngành chức năng xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản để góp phần nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, được người tiêu dùng quan tâm, chấp nhận. Cùng với đó là thiết lập được một kênh phân phối hiệu quả, nhất là tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh, giúp cho việc tiêu thụ các sản phẩm ổn định, kích thích sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, tỉnh còn quan tâm xây dựng, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo hướng mở rộng về quy mô, sản lượng, bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương. Điển hình như các vùng sản xuất Rau an toàn An Hải (Ninh Phước); Nho VietGap Văn Hải; Heo đen Bác Ái… Có thể khẳng định, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là một trong những hướng đi trọng tâm, phù hợp và mang lại hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất, nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung.

Tuy nhiên, để tạo nên thương hiệu thật sự nhằm quảng bá cho các sản phẩm đặc thù nói trên lại chưa được doanh nghiệp, người sản xuất quan tâm đúng mức, phần nhiều duy trì thói quen “tự sản, tự tiêu” sản phẩm làm ra, chủ yếu thông qua thương lái. Theo các chuyên gia, việc giới thiệu thương hiệu hàng nông sản là cách giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc thù riêng của vùng mà chỉ đặc biệt ở vùng đó hàng nông sản mới hội đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng, hương vị riêng biệt mà cùng chủng loại đó khi trồng ở nơi khác không đáp ứng được những tiêu chuẩn trên, như nho Ninh Thuận là một minh chứng. Thương hiệu cho hàng nông sản chính là đưa sản phẩm nông nghiệp ngon lên tầm vị trí xứng đáng đến với người tiêu dùng, nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là làm thế nào luôn giữ vững thương hiệu và tạo dấu ấn cho người tiêu dùng để đứng vững trên thị trường, theo đó vấn đề mấu chốt chính là chất lượng sản phẩm, chính chất lượng quyết định sự sống còn của thương hiệu. 

Theo một khảo sát mới đây trên thị trường nội địa, hơn 80% nông sản được tiêu thụ không có nhãn hiệu, trong khi người tiêu dùng trong nước hiện đã ngày càng coi trọng thương hiệu khi mua nông sản. Kết quả một  khảo sát mới nhất cho biết, 85% số người được hỏi khẳng định chấp nhận trả mức giá cao hơn từ 5% - 10% để mua những mặt hàng có thương hiệu và chất lượng tốt, thậm chí, 50% số người tiêu dùng sẵn sàng trả cao hơn 13% để mua sản phẩm có độ tin cậy cao!.

Suy cho cùng, thương hiệu tạo nên lòng tin cho khách hàng, khi cầm một sản phẩm mà người tiêu dùng không phải đắn đo, suy nghĩ, cân nhắc về chất lượng, độ an toàn, giá cả...có nghĩa là đã mang đến sự an tâm, sự tin tưởng thì chắc chắn rằng sản phẩm đó tồn tại. Cho nên, cần phải có liên kết “4 nhà” để giúp các địa phương, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho nông sản. Trong đó, Nhà nước có cơ chế, chính sách, nguồn vốn cụ thể để xây dựng các vùng chuyên canh, các nhà khoa học hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân về kỹ thuật và nhà nông cần phải có cung cách làm ăn chân thật, có trình độ khoa học kỹ thuật, có tầm nhìn…