VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Giải bài toán liên kết trong sản xuất nông nghiệp!

(NTO) Có thể nói, việc liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn đã và đang là đòi hỏi, hướng đi tất yếu của nông nghiệp cả nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng nhằm khắc phục những hạn chế trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Ngày 25-10-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Để cụ thể hóa chính sách nêu trên Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định 391/QĐ-UBND ngày 25-11-2014 về việc ban hành tiêu chí xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo việc thực hiện tốt liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với nông hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác. Tăng cường mối liên kết “4 nhà” để ổn định “đầu ra” và nâng cao giá trị sản phẩm…Thực tế cho thấy, trên một số lĩnh vực sản xuất trong tỉnh đã hình thành được mối liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm cùng sở thích, hộ nông dân…qua đó tạo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến như mía đường, tinh bột mỳ, tôm thịt… hay hợp tác tiêu thụ sản phẩm ở một số mặt hàng như nho, giống cây trồng, rau an toàn, táo xanh, dê, cừu. Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đầu diện tích (nho, táo bình quân đạt từ 450-600 triệu đồng/ha, cây lúa đạt trên dưới 100 triệu đồng/ha…). Hình thức liên kết chủ yếu là doanh nghiệp hỗ trợ vốn, đầu tư, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra; hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm cùng sở thích, hộ nông dân đảm nhiệm khâu sản xuất...

Trang trại nho Ba Mọi (Phước Thuận, Ninh Phước) liên kết thu mua, tiêu thụ táo xanh do nông dân địa phương sản xuất.
Ảnh: Sơn Ngọc

Mặc dù đạt được nhiều kết quả nêu trên nhưng cân phân mà nói, tình hình phát triển hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn trong thực tiễn vẫn còn nhiều khó khăn. Đáng nói là vướng mắc trong quá trình thúc đẩy liên kết sản xuất chủ yếu liên quan đến việc đảm bảo thực thi hợp đồng giữa các bên (rất khó xử phạt khi các bên phá vỡ hợp đồng), trình độ sản xuất của hộ nông dân còn hạn chế nên sản phẩm chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của hợp đồng; các hợp tác xã, tổ hợp tác chưa thực sự là đầu mối hiệu quả cho hoạt động liên kết với doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng của các vùng nguyên liệu chưa được đầu tư. Ngoài ra, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu vốn, tập quán canh tác lạc hậu, thiếu kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là năng lực quản lý kinh tế hộ, kinh tế tập thể của nông dân, các tổ chức, HTX cũng ảnh hưởng rất lớn đến mô hình liên kết. Thay vì liên kết để thu mua sản phẩm trực tiếp từ nông dân thì nhiều doanh nghiệp lại duy trì kết nối với hệ thống thương lái để giảm rủi ro. Trong chuỗi giá trị nông sản, đầu tư, khâu chế biến và bảo quản còn nhiều bất cập vì thế giá trị gia tăng các sản phẩm chưa cao. Sự liên kết và chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa hài hòa. Mức độ tiêu thụ nông sản cho nông dân còn thấp, giá cả bấp bênh. Một số mô hình liên doanh, liên kết với lợi ích của nông dân tham gia còn thấp….

Để bài toán “khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn” theo tinh thần Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có "đáp số" chính xác, đạt được hiệu quả cao cần nhận rõ những hạn chế để có biện pháp khắc phục. Cần xác định lại mô hình liên kết cánh đồng lớn cho phù hợp với điều kiện cụ thể của các vùng, miền, địa phương, lĩnh vực sản xuất trong tỉnh. Mặt khác, theo kiến nghị của ngành chức năng, Chính phủ cần bố trí kinh phí thực hiện các chính sách ban hành theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg. Đối với việc liên kết sản xuất và tiêu thụ, cần được bổ sung vào Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn ban hành kèm theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19-12-2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp mạnh dạn thực hiên liên kết tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, xem xét hỗ trợ toàn bộ kinh phí thực hiện quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp trong dự án cánh đồng lớn theo Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ…