Thế giới trong tuần

1. Hội nghị cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ 9 diễn ra tại Siem Reap, Vương quốc Campuchia, ngày 23-11, với sự tham dự của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen; Thủ tướng Lào Thonglun Sisulith và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Hội nghị đánh giá cao những kết quả hợp tác đạt được trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, nông nghiệp, giao lưu nhân dân. Nhờ sự nỗ lực của ba nước, Tam giác phát triển CLV từ khu vực khó khăn đã trở thành khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế, đời sống người dân và an sinh xã hội được cải thiện rõ rệt.

Các bên cũng mong muốn dành những ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về thương mại và đầu tư cho khu vực Tam giác phát triển CLV; hoàn thiện kế hoạch phát triển du lịch tại khu vực này và kế hoạch hành động về kết nối ba nền kinh tế; trong đó không chỉ kết nối về giao thông mà cả cơ sở hạ tầng, năng lượng, du lịch...

Lãnh đạo ba nước cũng nhất trí về việc sử dụng công nghệ và mạng viễn thông kết nối trực tuyến, cho phép lãnh đạo và cơ quan các nước có thể thường xuyên trao đổi, bàn bạc, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Các bên cũng đã thống nhất về việc đề nghị Việt Nam thành lập trung tâm đào tạo nghề phục vụ khu vực Tam giác phát triển giữa ba nước.

Ba nhà lãnh đạo cũng thống nhất phối hợp chặt chẽ thực hiện thành công các mục tiêu Thiên niên kỷ đến năm 2030 của Liên hợp quốc; trong đó, lưu ý đến vấn đề bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng nguồn nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.

2. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngày 21-11. Đó là điều không gây bất ngờ với giới quan sát bởi ngay trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố chống lại thỏa thuận TPP .

Phân tích về quyết định của ông Donald Trump, GS.Carl Thayer – Trường Đại học New South Wales, Australia cho biết: “12 quốc gia thành viên TPP chiếm 40% kinh tế toàn cầu, trong đó Mỹ là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất. 7 năm đàm phán hiệp định giờ đã đổ xuống sông xuống bể, nhưng Hiệp định này được ký vào đầu năm 2016, các nước thành viên sẽ có 2 năm để phê chuẩn hiệp định này. Khi ông Trump lên nắm quyền vào tháng 1-2017, ít nhất vẫn còn 1 năm để thuyết phục chính quyền ông Trump thay đổi quyết định của mình, vẫn còn chút hy vọng mong manh”.

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Nhật Bản đã có cuộc gặp với ông Donald Trump. Thủ tướng Australia đã điện đàm với ông Trump. Cả hai nước này đều muốn TPP được thực thi. Thủ tướng Australia nói còn sớm để đánh giá, nhưng nhiều bên khác cho rằng chúng ta có thể đàm phán lại nhằm giải quyết những lo ngại về phía Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Tôi đã gặp gỡ với các nguyên thủ quốc gia trong khuôn khổ Hội nghị APEC. Tất cả các quốc gia này đều bày tỏ mong muốn thúc đẩy TPP. Nếu Mỹ rút khỏi TPP, đây sẽ là một tổn thất lớn cho chính kinh tế Mỹ”.

Đồng tình với quan điểm trên, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết: “Nếu TPP không thể hiện thực hóa, đây sẽ là một mất mát rất lớn”. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh: “TPP thiếu đi chữ ký của phía Mỹ sẽ không còn ý nghĩa gì nữa”. Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ sự bất bình về quyết định rút khỏi TPP của ông Trump. Bà khẳng định, những thỏa thuận trong tương lai sẽ không thể nào tốt hơn TPP.

Sự rút lui của Mỹ khỏi Hiệp định TPP cho thấy chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch vẫn đang nổi lên đấu tranh với xu thế tự do thương mại. Tổng thống đắc cử Donald Trump cho rằng cần làm vậy để đem lại việc làm nhiều hơn cho người Mỹ.