Nông dân Ninh Sơn gặp khó khăn do mỳ “rớt” giá

(NTO) Thời điểm này, nông dân huyện Ninh Sơn đang vào vụ chính thu hoạch mỳ. Dù năng suất đạt khá cao nhưng nông dân chưa vui vì giá mỳ xuống thấp.

Chị Nguyễn Thị Phương, ở xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) vừa thu hoạch 7ha mỳ, như mọi năm trung bình mỗi hecta chị có lãi trên 15 triệu đồng, bởi giá mỳ cao. Tuy nhiên năm nay, 7 ha mỳ vừa thu hoạch sau khi trừ chi phí phân, giống, nhân công số tiền lãi còn lại chẳng là bao. Theo chị Phương đây là năm cây mỳ có giá thấp nhất từ trước đến nay, trong khi chi phí đầu tư lại cao hơn do hạn hán. Giá mỳ loại tốt (30% chữ bột) cũng chỉ có giá 1.500đ/kg, so với mọi năm, loại mỳ này có giá 1.800 đ/kg.

 
Người dân vận chuyển mỳ nguyên liệu về Nhà máy để tiêu thụ.

Cũng như hộ chị Phương, hộ ông Phan Văn Thành, ở xã Quảng Sơn cũng gặp khó khăn do giá thu mua của Nhà máy mỳ quá thấp, lại còn khắt khe trong việc kiểm định chữ bột trong từng xe hàng. Ông Thành cho biết: Giá mỳ đã thấp nhưng qua lấy mẫu kiểm nghiệm chữ bột, lượng tạp chất cao từ 5-7%, chữ bột trung bình chỉ đạt 20-23%, theo đó giá thu mua thực tế rất thấp chỉ ở mức dưới 1.000đ/kg. Với đà này, vụ sau, gia đình sẽ bỏ cây mỳ chuyển sang trồng cây mía.

Được biết, niên vụ 2016-2017, huyện Ninh Sơn và Bác Ái có khoảng 3.700 ha mỳ, năng suất bình quân đạt 20-25 tấn/ha. Sản phẩm mỳ trên địa bàn chủ yếu được bán cho Nhà máy chế biến tinh bột mỳ Fococev-Ninh Sơn. Theo ông Hồ Đức Tiên, Giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột mỳ Fococev-Ninh Sơn, giá mỳ thấp là do thị trường bởi hiện giá bột mỳ thành phẩm của nhà máy bán ra cũng chỉ 4.000-4.500đ/kg (giảm 1.500đ-2.000đ/kg so với trước) vì thế buộc phải giảm giá thu mua mỳ nguyên liệu của người dân. Mặc dù giá cả thấp, nhưng nhà máy vẫn cố gắng thu mua hết lượng mỳ trong dân, không để tồn đọng. Về việc lấy mẫu kiểm nghiệm, nhà máy lấy 2 mẫu sau đó chia ra bình quân để đảm bảo tính khách quan và chính xác. Nếu để người dân tự chọn mẫu, hoặc lấy một mẫu thì không phản ánh đúng mặt bằng chung của sản phẩm mỳ.

Mỳ là cây trồng chủ lực, có thế mạnh của huyện Ninh Sơn, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả cho người dân, nhưng từ việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân chưa chặt chẽ, không có ràng buộc thông qua hợp đồng về bao tiêu sản phẩm, việc quy hoạch vùng sản xuất chưa rõ ràng nên tình trạng mở rộng sản xuất, thu hoạch ồ ạt dẫn đến việc tiêu thụ bị dồn ứ, thiếu chủ động.

Trước khó khăn của người dân, UBND huyện Ninh Sơn đã làm việc với Nhà máy chế biến tinh bột mỳ Fococev-Ninh Sơn để tìm phương án tháo gỡ, khắc phục. Ông Đoàn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: Địa phương cũng mong công ty tiếp tục thu mua hết lượng mỳ của người dân; xem xét phương án điều chỉnh giá hợp lý theo thị trường và tạo điều kiện để người dân có thu nhập ổn định, gắn bó với cây mỳ. Về lâu dài cần tăng cường sự liên kết với nông dân để đảm bảo tính chủ động trong sản xuất và ổn định đầu ra của sản phẩm. Địa phương cũng sẽ quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, gắn với việc phân bổ lịch thời vụ để hạn chế tình trạng dồn ứ vào vụ thu hoạch.

Để cây mỳ thực sự là cây trồng chủ lực, phát huy thế mạnh của địa phương, rất cần có sự hợp tác, liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm, tránh để tình trạng “được mùa mất giá” như hiện nay.