VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Gỡ khó cho “thị trường” vốn nông nghiệp!

(NTO) Có thể nói, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã được các ngân hàng thực hiện khá tốt, đem lại nhiều hiệu quả, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, đóng góp tích cực xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính đến cuối tháng 9-2016, tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh đạt 4.300 tỷ đồng/39.000 khách hàng, tăng 691 tỷ đồng (+19,15%) so với cùng kỳ, tăng 906 tỷ đồng (+26,7%) so với cuối năm 2015...

Cân phân mà nói kết quả nêu trên là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên so với nhu cầu thực tế số vốn cần vay lớn hơn nhiều nhưng không ít doanh nghiệp (DN) nông nghiệp, hợp tác xã, nông dân vẫn rất khó vay bởi ngân hàng chưa mặn mà, thủ tục, quy định còn nhiều rào cản. Thử đưa ra con số: Theo số liệu của chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Ninh Thuận, trong 9 tháng qua nếu dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân trên 2.892 tỷ đồng, chiếm 71,3%; dư nợ cho vay doanh nghiệp trên 1.164 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28,69% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; thì dư nợ cho vay HTX chỉ có 0,56 tỷ đồng/5 HTX; chiếm tỷ trọng 0,01% trong tổng dư nợ cho vay!. Vì sao có tình trạng trên?.

HTX Kinh doanh Dịch vụ Tổng hợp Gò Đền đầu tư ứng trước vật tư nông nghiệp cho hộ thành viên.
Ảnh: Văn Miên

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc đầu tư tín dụng cho HTX gặp nhiều khó khăn do hiệu quả hoạt động và khả năng đáp ứng điều kiện vay theo quy định của các HTX thấp, nhất là hồ sơ pháp lý, hồ sơ kinh tế không đầy đủ, phương án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi...Không những vậy, thời gian qua các HTX chưa quan tâm đến vốn điều lệ, trong khi vốn điều lệ thực góp của các HTX quá thấp. Theo quy định của tổ chức tín dụng, trong mọi trường hợp, phần vốn vay vượt quá vốn điều lệ thực góp của HTX tại thời điểm vay vốn đều phải được đảm bảo 100% bằng tài sản, trong khi tài sản đủ điều kiện thế chấp của HTX hầu như không có. Thêm vào đó, nông dân, DN… trong lĩnh vực nông nghiệp sản xuất còn nhỏ lẻ; việc đầu tư vào lĩnh vực này còn tiềm ẩn những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường sản phẩm không ổn định… cũng làm cho các ngân hàng “e ngại” khi cấp tín dụng, tạo thành “nút thắt” về vốn cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Vậy tháo gỡ từ đâu để người dân, DN, HTX dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng và để tín dụng ngân hàng thực sự là đòn bẩy thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp?. Nhằm tháo nút thắt này, yêu cầu đặt ra đầu tiên là các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị định 55 của Chính phủ; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho DN và hộ dân về chủ trương, chính sách tín dụng theo Nghị định 55; xây dựng các chương trình tín dụng lồng ghép nhằm đạt được mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Mặt khác, cần mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp tập trung ưu tiên phát triển vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vấn đề cũng không kém phần quan trọng là theo các chuyên gia, việc đầu tư cho vay cần hướng tới sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tăng khả năng liên kết trong chuỗi giá trị của sản phẩm. Phải tích tụ, tập trung được ruộng đất mới có sản xuất lớn, năng suất, chất lượng sản phẩm đồng đều hơn để nâng cao khả năng cạnh tranh. Cùng với đó là liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi khép kín, ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm…

Thiết nghĩ, để Nghị định 55 của Chính phủ ngày càng đi vào cuộc sống, yếu tố thuyết phục ngân hàng cấp vốn tín dụng cái chính là năng lực thật sự của HTX, DN…trong viêc đầu tư cho nông nghiệp và cả về kiến thức kinh nghiệm trong quản lý, sản xuất.