Phước Bình: Phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao

(NTO) Phát huy tiềm năng, thế mạnh đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phước Bình (Bác Ái) đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng có giá trị thấp sang phát triển các loại cây ăn quả (CAQ) có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, đời sống nhân dân địa phương ngày càng cải thiện đáng kể.

 
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, nhiều hộ dân xã Phước Bình đã có nguồn thu nhập ổn định.

Xã Phước Bình hiện có 925 hộ, 4.261 nhân khẩu, với gần 2.500ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, bên cạnh tập trung phát triển các loại cây trồng như bắp, chuối, điều…, người dân còn tích cực mở rộng diện tích CAQ với nhiều loại, chất lượng thơm ngon, có giá trị kinh tế cao. Đồng chí Pi-năng Thị Cô, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/HU của Huyện ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cấp ủy, chính quyền xã tích cực vận động nông dân lựa chọn một số cây trồng có giá trị cao gắn với thế mạnh của địa phương để đầu tư sản xuất và nhân rộng. Trong đó, tập trung vào các loại CAQ như: Bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm…

Đưa chúng tôi ra thăm diện tích trồng cây bưởi da xanh, ông Đơn gur Hà Cây, thôn Bạc Rây 2, cho biết: “Giữa năm 2008, gia đình được Vườn Quốc gia Phước Bình hỗ trợ 150 cây giống trồng trên diện tích 8 sào. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp xã nên cây trồng phát triển tốt, vừa qua, vườn bưởi đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, trung bình mỗi trái từ 1,5-2kg, được thương lái mua với giá hơn 30 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu về trên 30 triệu đồng”. Nhận thấy thu nhập từ CAQ ổn định, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, nên nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng. Chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay, đã có 29 hộ trồng mới trên 18ha, nâng tổng diện tích toàn xã lên 72ha, trong đó, bưởi da xanh chiếm 42ha, sầu riêng 17ha, còn lại là cây ăn trái khác, tập trung nhiều ở thôn Bạc Rây 1, Bạc Rây 2 và Hành Rạc…

Theo đánh giá của địa phương, mặc dù đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên, việc phát triển CAQ hiện nay trên địa bàn vẫn còn mang tính tự phát, chưa khai thác hết tiềm năng về đất đai, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ CAQ, thời gian tới, địa phương xác định sẽ mở rộng diện tích lên khoảng 150ha, theo định hướng phát triển cây trồng kinh tế cao đến năm 2020. Đồng chí Pi-năng Thị Cô cho biết thêm: Thực hiện các mục tiêu đề ra trong thời gian tới, địa phương tiến hành xây dựng quy hoạch các vùng trồng CAQ chủ lực để phát huy thế mạnh từng vùng, phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ giúp người dân mạnh dạn sản xuất CAQ theo quy mô lớn…, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, tăng thu nhập cho người trồng, hướng đến xóa nghèo bền vững.