Bác Ái: Nâng cao kiến thức sản xuất cho bà con Raglai

(NTO) Huyện Bác Ái có gần 100% đồng bào Raglai sinh sống, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, huyện Bác Ái tập trung tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp với những mô hình sản xuất ở địa phương. Qua đó, giúp bà con có thêm thu nhập, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi.

 
Anh Pa Tâu A Xá Thuê, áp dụng khoa học kỹ thuật trồng bắp cho hiệu quả kinh tế cao.

Xác định việc dạy nghề, tạo việc làm là mục tiêu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, hằng năm, huyện đều tổ chức khảo sát thực tế, lựa chọn ngành nghề phù hợp với điều kiện, tập quán sản xuất để mở các lớp dạy nghề cho bà con. Trong đó, chủ yếu tập trung mở các lớp phổ biến kiến thức về lĩnh vực nông nghiệp. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, cho biết: Dựa trên nhu cầu đăng ký, từ đầu năm đến nay, huyện phối hợp với các ngành chức năng mở 12 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 400 lượt người, các lớp tập trung đào tạo kiến thức về trồng trọt và chăn nuôi như: Kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản; dê, cừu vỗ béo; nuôi gà thả vườn; trồng lúa, bắp… Sau khi hoàn thành khóa học, nhiều học viên sử dụng kiến thức được trang bị áp dụng vào sản xuất; đồng thời, truyền đạt lại cho một số hộ khác cùng làm kinh tế hiệu quả.

Bằng những hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt gắn với thực tiễn đã giúp nông dân địa phương nâng cao trình độ kỹ thuật, tăng hiệu quả lao động. Đơn cử như hộ anh Patâu Axá Thuê (thôn Rã trên, xã Phước Trung), từ khi tham gia lớp tập huấn (năm 2012), anh đã biết lựa chọn giống mới và áp dụng quy trình kỹ thuật theo kiến thức đã học để canh tác bắp. Nhờ đó, 8 sào bắp luôn phát triển tốt và cho năng suất trên 6 tạ/sào, cao hơn trước đây khoảng 2 tạ/sào. Cùng là học viên tham gia lớp học tập huấn, chị Mang Thị Dưng (thôn Tà Lú 3, xã Phước Đại) chia sẻ: Tham gia lớp học mình không chỉ được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng và vật nuôi, mà còn được thực hành ở ngoài thực tế nên rất dễ tiếp thu. Từ kiến thức học được, mình đã biết cách trồng cỏ, dự trữ phụ phẩm… Nhờ vậy, 4 con bò của gia đình phát triển tốt…

Không chỉ được cung cấp kiến thức mới về chăn nuôi, trồng trọt, các lớp tập huấn còn là môi trường để bà con nông dân gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm kinh tế hiệu quả. Ông Nguyễn Thành Nhân cho biết thêm: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo… Qua đó, giúp bà con được học hỏi, ứng dựng khoa học-kỹ thuật, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.