Thực trạng hoạt động của các tổ hợp tác

(NTO) Tổ hợp tác (THT) thành lập xuất phát từ nhu cầu phát triển thực tế của người dân, cơ bản phù hợp theo tinh thần Nghị định 151/2007/NĐ-CP ngày 10-10-2007 của Chính phủ. Mô hình THT đã đem lại lợi ích cho nông dân và người lao động, giúp người lao động giảm chi phí sản xuất, trao đổi và ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật cũng như kinh nghiệm vào quá trình sản xuất và kinh doanh.

Những kết quả bước đầu

Đối với tỉnh ta, hiện có 1.205 THT, với 11.800 thành viên, trong đó số thành viên mới tham gia trên 4.000 người, tăng gấp 2 lần so với năm 2011. Trong đó, số THT có đăng ký hoặc chứng thực với chính quyền địa phương (UBND xã) là 590/1.205 THT (chiếm 49% THT) đang hoạt động. Doanh thu bình quân hiện nay của THT trong 5 năm ước đạt 140 triệu đồng/năm, tăng 17% so với năm 2011; lợi nhuận bình quân ước đạt 40 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của các thành viên khoảng 20 triệu đồng/người/năm. Nhờ làm ăn có hiệu quả, trong những năm qua, bước đầu các THT đã có đóng góp một phần thiết thực vào phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương và xây dựng nông thôn mới.

Với những kết quả mang lại bước đầu của THT, có thể khẳng định các THT ở tỉnh ta tuy có quy mô nhỏ, công tác tổ chức quản lý và điều hành còn giản đơn, bó hẹp trong phạm vi nhất định, nhưng hợp tác trong các thành viên linh hoạt, gọn nhẹ. Hoạt động của các THT đã thật sự giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống, giúp các hộ thành viên một phần về nhu cầu vốn và kỹ thuật.

 
Nông dân phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) thu hoạch rau an toàn. Ảnh: U.Thu

Nhiều THT sau khi được thành lập hoạt động hiệu quả, công tác quản lý điều hành chặt chẽ từ nguồn vốn góp đến khâu hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng không thua kém HTX (điển hình như THT Đánh bắt Đầm Chông, xã Thanh Hải, Ninh Hải), đây là tiền đề tốt, tạo bước đệm để các THT dần chuyển sang mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả bước đầu đã đạt được, thực tế hiện nay, các THT vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém nhất định và gặp không ít những khó khăn mà THT phải đối mặt. Số lượng thành viên THT còn ít, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ dừng lại ở mức độ học tập, trao đổi kinh nghiệm; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của từng thành viên và sức mạnh của kinh tế tập thể để cạnh tranh với những thành phần kinh tế khác. Chưa có kế hoạch, phương án hoạt động cụ thể nên thường bị động trong việc thực hiện các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm của các thành viên. Đa số cán bộ quản lý của các THT trình độ quản lý và năng lực điều hành còn hạn chế, thiếu chuyên môn nghiệp vụ, vẫn còn quản lý và hoạt động theo kinh nghiệm tự có, chưa thật sự quan tâm đến lợi ích của tập thể. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đa phần các THT vẫn còn hoạt động một cách đơn điệu-một ngành hoặc chỉ một nghề, trong khi đó chưa thật sự đầu tư và mở rộng thêm các mô hình sản xuất, kinh doanh ở các lĩnh vực khác.

Cán bộ quản lý THT hầu hết cũng không được trả tiền công, thù lao tương xứng với công sức đã bỏ ra hoặc có trả nhưng cũng không nhiều. Việc trả thù lao cũng chỉ mang tính hình thức, số tiền được trả có khi không đủ để cán bộ THT đi hội họp, tập huấn và làm những công việc cần thiết khác cho tập thể. Chính vì vậy, các THT gặp nhiều khó khăn trong việc tìm và thu hút nguồn nhân lực để tạo nguồn và đào tạo cán bộ quản lý cho THT. Các THT và thành viên vẫn còn tư tưởng trồng chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, dẫn đến quy mô về số lượng còn nhỏ bé và chất lượng THT hoạt động yếu kém. Vấn đề thụ hưởng các cơ chế, chính sách của Nhà nước theo tinh thần Nghị định 151/CP về tài chính, đất đai, khoa học-công nghệ, thị trường… và các ưu đãi khác thì hầu như cũng chưa có gì.

Giải pháp để phát triển

Từ thực trạng trên, để tháo gỡ, giúp đỡ và tạo điều kiện cho các THT tiếp tục được phát triển theo hướng “Năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững”, xin đề xuất một số giải pháp: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định 151/2007/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan khác đến THT; thường xuyên tuyên truyền, vận động thành lập mới THT theo hướng bền vững, hoạt động đa ngành nghề. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, hướng dẫn nghiệp vụ về nội dung, phương thức hoạt động cho các THT yếu kém, làm ăn hiệu quả chưa cao để có hướng phấn đấu vươn lên. Mặt khác, tuyên truyền, vận động các THT làm ăn có hiệu quả, dần từng bước nâng thành HTX theo Luật HTX hiện hành. Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý, điều hành cho cán bộ THT; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước theo tinh thần Nghị định 151 của Chính phủ cho THT; cần có kế hoạch tổ chức đợt khảo sát tổng thể các THT trên toàn địa bàn, qua đó có hướng tháo gỡ và hỗ trợ các THT phấn đấu vươn lên; tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến các THT, biểu dương khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích nổi bật trong công tác tuyên truyền vận động phát triển THT.