“Cần” và “Đủ” để vươn khơi!

(NTO) Nhằm hiện thực hóa Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ, tỉnh ta được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ chỉ tiêu đóng mới 71 tàu cá. Qua 2 năm triển khai thực hiện với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự đồng thuận cao của nhiều ngư hộ có “khát vọng” vươn khơi bám biển bằng những con tàu lớn, đủ sức đương đầu với sóng cả… toàn tỉnh đã có 34 dự án được phê duyệt đủ điều kiện đăng ký vay vốn tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu cá, với tổng dự toán 283,3 tỷ đồng. Đến nay có 27 dự án đã và đang triển khai thực hiện, trong số này năm 2015, đã có 8 dự án đóng mới hoàn thành đi vào hoạt động vào đầu năm 2016.

Có thể nói, chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số ngư dân có chí “làm ăn lớn” trong tỉnh được vay vốn đóng mới, nâng cấp những con tàu lớn để đủ sức vươn khơi xa, bám biển, tăng thu nhập cho gia đình bằng chính nghề đánh bắt hải sản truyền thống, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Mặt khác, đã góp phần tạo nên bộ mặt mới cho nghề cá của tỉnh, lần đầu tiên tỉnh nhà có những tàu cá được đóng bằng vỏ thép, compsite, với chiều dài thiết kế trên 20m, trang bị máy chính mới 100%, công suất trên 700CV, với các trang thiết bị khai thác hiện đại…

 
Tàu dịch vụ hậu cần Việt Anh vỏ composite được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, qua thực tế từ các dự án đã đi vào hoạt động, theo đánh giá của ngành chức năng cho thấy đã bộc lộ một số hạn chế xuất phát từ chủ quan lẫn khách quan. Đó là, trong số 8 tàu đã được đầu tư để đánh bắt xa bờ hoàn thành trong năm 2015, vẫn có một số tàu chủ yếu hoạt động ở vùng lộng, chưa “mạnh dạn” vươn ra đánh bắt trên các vùng biển xa bờ, nên hiệu quả mang lại không cao... Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ tàu chưa có đầy đủ kinh nghiệm hoạt động trên các vùng biển xa với tàu lớn đánh bắt xa bờ. Thêm vào đó công tác đào tạo ngư dân vận hành tàu công suất lớn, hiện đại chưa được ngành chức năng chú trọng triển khai thực hiện. Mặt khác, khách quan mà nói các thiết kế và thi công của tàu vỏ sắt, composite chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm của tàu khai thác hải sản, còn tồn tại nhiều nhược điểm so với tàu cá vỏ gỗ, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Điều này bộc lộ qua quá trình hoạt động của các tàu cá như tàu bị rung lắc trong điều kiện sóng gió cấp 5, các trang thiết bị khai thác, thượng tầng bố trí không phù hợp ảnh hưởng đến ổn định tàu… Một thực tế nữa là, hiện trạng các cảng cá tỉnh ta được xây dựng trước những năm 2000, ở thời điểm đó tàu cá của tỉnh còn nhỏ (chủ yếu các tàu cá có kích thước tàu từ 10-15m), hiện tại nghề cá của tỉnh đã phát triển mạnh, tàu cá hiện nay đã có kích thước lớn từ 17-28m. Trong khi chiều dài cầu cảng ngắn, luồng lạch cạn…nên không còn phù hợp với việc neo đậu các con tàu lớn.

Vấn đề đặt ra là để vươn khơi, bám biển không chỉ có quyết tâm, nhiệt tình… là “đủ” mà yếu tố “cần” đầu tiên ngư dân phải tiếp cận kỹ thuật, công nghệ vận hành, phương pháp đánh bắt mới…ngoài kinh nghiệm vốn có. Không những vậy, tỉnh cần đầu tư đồng bộ hạ tầng phù hợp với đà phát triển nghề cá của tỉnh, đồng thời ngành chức năng cần tập huấn cho ngư dân những kiến thức mới trong khai thác…Thiết nghĩ, có như vậy những con tàu lớn giá trị hàng nhiều tỷ đồng kia mới phát huy được hiệu quả, nếu không sẽ là hậu quả khó lường.