Lời xin lỗi!

(NTO) Ầm! Mấy người bên quán bán xôi vỉa hè giật mình. Thì ra chiếc xe con do bác tài khá trẻ lùi đụng ngã chiếc vespa dựng sát mép vỉa hè. Mọi người xúm lại giúp chủ xe dựng nó lên. Nhìn chiếc vespa màu trắng mới sang trọng bị bể móp dè chắn trước, tay thắng gãy, chị chủ xe nhăn mặt khó chịu. Đã thế, những người xung quanh tiếng ra, tiếng vào tiếc cho chiếc xe mới, đẹp. Cứ tưởng sẽ có cuộc chạm trán nảy lửa giữa bác tài trẻ và chị có xe bị tông nhưng sau khi nghe anh lái xe xin lỗi, nhận sơn sửa chiếc xe vespa, chị dịu giọng: Tôi cũng có lỗi khi dựng xe dưới lòng đường, tai nạn xe xộ chẳng ai mong muốn, quan trọng người không sao là tốt rồi. Đám đông hiếu kỳ nhanh chóng giải tán, là người chứng kiến sự việc, tôi bỗng nghiệm ra sức mạnh của lời xin lỗi chân thành.

 
Ảnh minh họa.

Nhớ lại lần đi làm sổ đỏ cho gia đình, tại nơi đề biển “Một cửa liên thông”, anh nhân viên nhận hồ sơ ghi phiếu hẹn nhận kết quả. Đến ngày hẹn, cũng anh nhân viên đó yêu cầu bổ sung xác nhận đất không tranh chấp của những gia đình có đất liền kề. Sau ba lần bổ sung hồ sơ với thời gian gần ba tháng đi tới lui, tôi nhận được sổ đỏ. Đem chuyện trên kể với anh bạn làm cơ quan nhà nước, anh cười: Ông may đấy, có người sáu tháng, có khi cả năm chưa có sổ đỏ. Ông không biết đấy thôi, bây giờ người ta gọi đó là nơi “hành là chính”. Có điều, chuyện họ bắt công dân bổ sung hồ sơ, thời gian nhận kết quả trễ hẹn rất nhiều so với quy định nhưng không hề có một lời giải thích, nói chi đến xin lỗi!

Đó là chuyện trước đây, hiện nay thực hiện chủ trương hướng tới Nhà nước phục vụ dân, việc công khai, minh bạch các chính sách, thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính… đang được toàn hệ thống chính trị vào cuộc. Có công chức tiếp nhận hồ sơ mà buổi trả kết quả đến hẹn trùng với hội nghị tổng kết cơ quan, bản thân phải tham dự quên hẹn trả kết quả cho công dân. Ngay sau khi rà soát việc đến hẹn, người đứng đầu ngành đã trực tiếp gặp dân trả kết quả và xin lỗi nhận khuyết điểm. Mới đây, người đứng đầu ngành và địa phương giải quyết hồ sơ chính sách cho người có công chậm trễ (dù không có thời hạn), đã chỉ đạo nhanh chóng giải quyết, đồng thời chủ động đến tận gia đình các hộ dân nhận khuyết điểm, xin lỗi. Có thể kể ra nhiều việc do công chức, viên chức nhà nước ở các cấp có sai sót trong giải quyết vụ việc liên quan đến công dân, doanh nghiệp thì người đứng đầu cơ quan đã công khai nhận trách nhiệm, xin lỗi dân và giải quyết yêu cầu của người dân nhanh chóng, đúng quy định.

Từ việc xin lỗi của cán bộ, công chức như trên, tôi liên tưởng đến việc dân lựa chọn người đại diện cho mình bầu vào cơ quan nhà nước các cấp trong đợt bầu cử Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp mới đây. Đó là chuyện cụ ông đã tám mươi tuổi hỏi tôi: Chú chọn bầu ai giới thiệu bác tham khảo. Vốn kính lão đắc thọ, tôi nói: Bác chọn bầu ai trong danh sách cháu cũng bầu người đó. Tôi thật bất ngờ khi cụ thủng thẳng giải thích: Bác già rồi, tuổi này người ta xếp vào hàng lẩm cẩm, lúc nhớ, lúc quên sao biết ai tài, đức để chọn nhưng mấy ông cán bộ mà báo chí nói dám nhận cái sai trước dân đến tận nhà dân xin lỗi, tui mê lắm, chọn mấy ổng chắc chắn họ sẽ vì nước, vì dân!

Câu chuyện trên cho thấy hành vi xin lỗi chân thành, trung thực, đồng thời biết sửa lỗi thì ở bất cứ đâu cũng được hoan nghênh. Ông bà ta xưa đã dạy: "Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Đó là văn hóa, là lòng nhân ái đặc trưng của người Việt đã trở thành truyền thống nhân văn. Việc cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong thực thi công vụ nếu có sai sót nghiêm túc nhận khuyết điểm, xin lỗi trước dân và sửa lỗi sẽ giúp họ gần dân hơn và góp phần làm tăng thêm niềm tin của dân đối với chế độ, với Đảng và Nhà nước. Vậy nên thiết nghĩ mỗi người khi đã là công bộc của dân cũng cần học xin lỗi dân để phục vụ dân, phụng sự đất nước ngày càng tốt hơn.