Vui buồn quanh giấy khai sinh

(NTO) Ngày khai giảng năm học mới đã gần kề, với các cháu vào lớp 1 thì giấy khai sinh là loại giấy tờ hết sức cần thiết. Nó được xem là hộ tịch gốc, có ý nghĩa và giá trị trong suốt cuộc đời của mỗi người, đặc biệt trong việc chứng minh quê quán, độ tuổi, quan hệ cha mẹ và con cái… Thế nên, thời gian trước, đối với những gia đình lỡ làm thất lạc, hoặc ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vì nhiều lý do mà chưa làm được giấy khai sinh cho con cháu thì… hơi bị khó khăn đấy. Nhưng hiện nay, vấn đề này không có gì… to lớn lắm, chỉ cần làm thủ tục xin cấp lại hoặc đăng ký khai sinh trễ hạn là xong ngay thôi! Đối với thế hệ chúng tôi, sinh trong thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, lúc này đất nước chưa hòa bình, nên nhiều bậc cha mẹ làm khai sinh cho con, nhất là với mấy ông “đực rựa”, với năm sinh giả, nhỏ hơn tuổi thật đến 4, 5 năm…, để trốn đi quân dịch được lúc nào hay lúc nấy. Và hậu quả để lại là vào thời điểm này, những người làm khai sinh “trung thực” như chúng tôi hết sức thoải mái nghỉ hưu khi tuổi đã xế chiều, thì các bác có khai sinh “giả” ấy lại phải tiếp tục cặm cụi “cày” năm ba năm nữa mới đủ tuổi nghỉ theo chế độ, trong khi sức khỏe bác nào, bác nấy nếu không tim mạch, huyết áp thì bao tử, gan, ruột cũng… “banh ta lông” cả rồi, qua khám sức khỏe định kỳ thì xác định ngay.

Các em học sinh lớp 1 trong ngày tựu trường. Ảnh: Sơn Ngọc

Một việc khác nữa là gia đình đặt tên con cháu theo… sự kiện, có những cái tên không còn đơn thuần là danh xưng, mà còn hàm ý kỷ niệm thời khắc lịch sử của đất nước. Việc đặt tên cho con thế này thì khi gọi đến thì người khác biết ngay, ví dụ như tên Hòa Bình, Thống Nhất... Và khi hỏi tuổi thì mới hay, đa số họ sinh ra vào những mốc thời gian quan trọng của dân tộc như năm 1954 hoặc 1975. Hoặc để nhớ trận lụt thế kỷ năm Giáp Thìn (1964), ông bạn tôi đã được đặt tên là Lê Lụt. Cho đến khi cu này lên 6 tuổi, đi học lớp 1, ông cha thấy tên con mình sao mà xấu quá, bèn đi cải chính hộ tịch nên giờ được mang tên "rất đẹp" là Lê Luật, kể cũng vui! Hay tôi có ông bạn tên nghe rất… rùng rợn: Trần Trường Hận, té ra nghe bạn kể rằng người mẹ khi sinh con vào lúc bị tình phụ, khiến mẹ căm hận kẻ bạc tình đến độ không ngần ngại đặt tên cho con như vậy để… nhớ đời!

Thời buổi này, đang có cái “mốt” thời thượng là các “sao” trong giới “sô bít” hay sính tên ngoại như Angela Thị, Elvis Tèo, Tony Bụi… nghe ra rất tây, rất oai, như thể hiện ta đây là người có… cỡ. Hay là chuyện khác, khi nhiều gia đình nông dân thích đẻ theo kiểu “trời sinh voi sinh cỏ”… đến đứa con thứ 5, 6 gì đó họ thấy “ớn”, nên đã khai sinh ngay tên Út. Ấy vậy nhưng sau Út, vợ lại mang bầu sinh thêm đứa nữa thành Út Em, rồi đứa nữa thành Út Dư... nhưng vẫn chưa dừng, cha mẹ buồn quá đặt đứa tiếp theo tên Dứt, nhưng vẫn chưa biết Dứt rồi có… dứt được không?

Chuyện vui buồn quanh tờ giấy khai sinh còn dài, nhưng xin phép được dừng lại. Chỉ mong rằng các gia đình nên đăng ký khai sinh cho con cháu mình “trung thực”, đúng thời hạn. Còn đối với những cái tên rối rắm, tưởng là hay, là đẹp, là oai… nghe rất “kêu” thì thực tế lại chẳng “ra làm sao” đối với cộng đồng, cho nên chúng ta cần cân nhắc đặt tên con trẻ thế nào cho dễ gọi, có ý nghĩa và phù hợp với văn hóa truyền thống của người Việt Nam chúng ta!.