Ninh Thuận ưu tiên phát triển năng lượng sạch

(NTO) Theo bản đồ phân bố các cấp tốc độ gió khu vực Đông Nam Á của Tổ chức True Wind Solutions LLC (Mỹ) lập theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới (WB), Ninh Thuận được đánh giá là một trong những vùng có tiềm năng phát triển năng lượng điện gió rất lớn, với 14 vùng gió tiềm năng trên diện tích khoảng 8.000ha. Các vùng gió tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc, với tốc độ gió đo được bình quân trong năm 7,1m/s, ở độ cao 65m và mật độ gió từ 400-500W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam. Ngoài ra, tỉnh ta còn được biết đến là một trong những địa phương có tiềm năng năng lượng mặt trời rất lớn, với lượng bức xạ trên 230kcal/cm2. Số giờ nắng trung bình cả năm từ 2.600-2.800 giờ và phân phối tương đối đều quanh năm.

Dựa trên thế mạnh này, trong Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh ta chủ trương ưu tiên phát triển nhóm ngành năng lượng lên hàng đầu, bao gồm cả điện hạt nhân và năng lượng tái tạo với tham vọng đến năm 2020 cụm ngành này đóng góp khoảng 11% GRDP của tỉnh, giải quyết từ 5-8% nhu cầu năng lượng quốc gia. Để biến tiềm năng thành hiện thực, từ năm 2011 đến nay, ngoài việc sử dụng nguồn lực của Trung ương để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng 2 Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, Thuận Nam) và Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải), với quy mô công suất mỗi nhà máy 4.000MW, tỉnh ta còn tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, mời gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng các dự án. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư như: Miễn tiền thuê đất từ 3-15 năm; miễn thuế thu nhập từ 2-4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4-9 năm tiếp theo (tùy theo danh mục các dự án và địa bàn đầu tư), nhằm xây dựng môi trường đầu tư tốt và thuận lợi nhất, để doanh nghiệp thực hiện thành công dự án của mình.

 
Mô hình Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Với sự nỗ lực của tỉnh, đến nay ở lĩnh vực điện gió có 7 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng công suất 647MW, tổng vốn đầu tư khoảng 23.612 tỷ đồng; 5 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng công suất khoảng 331MW, tổng vốn đầu tư khoảng 11.418 tỷ đồng. Trong số các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đến nay có 1 dự án đã khởi công, đó là Dự án Điện gió Công Hải của Công ty Phát điện 2 và 2 dự án dự kiến khởi công trong năm 2016 là Dự án Điện gió Trung Nam của Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam và Dự án Điện gió Mũi Dinh của Công ty TNHH Điện gió Mũi Dinh. Số dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, hầu hết hiện nay các nhà đầu tư đang trong giai đoạn tiến hành thu thập số liệu đo gió, lập các thủ tục đầu tư..., để trình tỉnh xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Đối với các Dự án Điện mặt trời, hiện nay UBND tỉnh đã giao Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4 lập xong đề cương quy hoạch, đang tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành để trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Căn cứ khảo sát trước đây của Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3, đến nay UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho 3 nhà đầu tư thực hiện khảo sát và lập dự án, đó là: Dự án Điện mặt trời Thiên Tân Solar của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Tân; Dự án Điện mặt trời Ninh Hải 1 của Liên doanh Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Terra Wood và Công ty Belectric Solar; Dự án Điện mặt trời HBRE của Công ty Cổ phần Năng lượng mặt trời HBRE. Ngoài ra, hiện còn có hàng chục dự án khác đang được các nhà đầu tư như: Liên doanh Công ty TNHH Doo Sung Vina và Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Bất động sản Hoàng Phúc; Công ty Tata Power Limited; Tập đoàn Tôn Hoa Sen; Tập đoàn Gold Long Thành... đang trong giai đoạn hoàn thành thủ tục xin đăng ký đầu tư.

Ngoài các dự án kể trên, với quy hoạch cụ thể theo định hướng phát triển nền kinh tế "xanh và sạch", hiện tỉnh ta còn tập trung phát triển loại hình thủy điện tích năng đầu tiên trên cả nước, với quy mô 1.200MW trên hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2020 và một số công trình thủy điện quy mô nhỏ gắn với thủy lợi như: Sông Ông, Hạ Sông Pha 1, Hạ Sông Pha 2... Điều đó thể hiện rõ sự quyết tâm của tỉnh trong việc phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương, nhất là tiềm năng thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Dự kiến trong tháng 8 này, tỉnh ta tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận năm 2016. Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư, tỉnh đã lập danh mục 57 dự án trọng điểm để kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, riêng lĩnh vực năng lượng (điện gió, điện mặt trời) có 4 dự án, theo hình thức đầu tư trong nước, liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài. Việc tỉnh ta tổ chức hội nghị lần này là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là những yếu tố thuận lợi để tỉnh ta bứt phá, hướng đến mục tiêu từng bước hình thành vùng trọng điểm năng lượng sạch của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.