Cuộc thi tìm hiểu về hoạt động HTX kiểu mới tỉnh Ninh Thuận năm 2016: Luồng gió mới ở Phước Thắng Co.op

(NTO) Thành lập tháng 4-2011, ban đầu HTX DV TH Phước Thắng (tiền thân của Phước Thắng Co.op, đóng ở thôn Chà Đung, xã Phước Thắng, Bác Ái) chủ yếu làm dịch vụ cung cấp vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi. Có một thời, HTX được đánh giá “ăn nên làm ra”, đóng góp quan trọng vào phát triển nông nghiệp ở khu vực miền núi của tỉnh. Thế nhưng, sau đó hoạt động sản xuất, kinh doanh trầm lắng dần, cho đến khi chuyển sang mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012 mới tháo gỡ những “nút thắt” cản trở, đưa HTX phát triển đúng hướng.

Thăng trầm một thời

Năm 2011, dù mới thành lập còn non trẻ nhưng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của HTX đạt 1 tỷ đồng, lợi nhuận 100 triệu đồng. Bước sang năm 2012, con số tăng lên gấp rưỡi, rồi đến năm 2013 tăng gấp đôi. HTX đứng vững trong điều kiện cạnh tranh gay gắt đó là nhờ Ban Quản trị chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh sát với từng vụ, tìm hiểu nhu cầu của nông dân để cung cấp vật tư nông nghiệp đến tận hộ gia đình.

 
Các sản phẩm chế biến từ hàng nông sản đặc thù vùng núi của Phước Thắng Co.op được khách hàng ưu dùng nhờ chất lượng tốt.

Nhiều người vẫn chưa quên, để nâng cao năng lực cạnh tranh, năm 2014, HTX đã liên kết với Công ty Nam Việt, Công ty Phân bón Năm Sao, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố… cung cấp phân bón, giống cây trồng giá rẻ cho bà con. Đối với những hộ sản xuất trên quy mô lớn, HTX sẵn sàng đầu tư 100% vật tư nông nghiệp đến cuối vụ mới thu tiền. Anh Nguyễn Trọng Kha, hiện là Giám đốc Phước Thắng Co.op, nhớ lại: Thời điểm đó, bình quân mỗi vụ HTX cung cấp khoảng 300 tấn phân bón các loại, 5 tấn lúa giống để nông dân sản xuất 60ha lúa, 150ha mì và 20ha bắp, doanh thu bán hàng của HTX tăng dần theo từng vụ. Làm ăn khấm khá, HTX mạnh dạn đầu tư sang lĩnh vực sơ chế măng tre, mì; đồng thời, lập phương án mở cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu để tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng “tày gang”, hoạt động của HTX sau đó cứ dần tuột dốc mà cơ sự khởi nguồn là từ những món nợ khó đòi. HTX cung ứng vật tư nông nghiệp cho các hộ ở xã Phước Thắng, Phước Chính, Phước Đại vốn cuộc sống còn rất khó khăn, đầu vụ bà con nợ tiền phân, thuốc, cuối vụ thiên tai mất mùa không trả được. Nhiều xã viên nợ cũ chưa giải quyết xong lại phát sinh thêm nợ mới. Trong khi đó, mô hình hoạt động HTX kiểu cũ bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là Ban Quản trị thiếu chủ động trong xây dựng phương án tổ chức kinh doanh có hiệu quả, còn quá trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế lúc bấy giờ HTX chỉ mới cung ứng một phần vật tư nông nghiệp, chưa tham gia được vào chuỗi hoạt động liên kết, làm vai trò cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp. Một khó khăn nữa là nguồn vốn của HTX hạn hẹp, nhưng rất khó kêu gọi xã viên góp vốn, nên các dịch vụ bị thu hẹp, hoạt động của HTX ngày càng bế tắc.

Luồng gió mới…

Trước những khó khăn, để tự cứu mình, tháng 6-2016 khi tổ chức Đại hội thành viên nhiệm kỳ II (2016-2021), HTX đổi tên thành Phước Thắng Co.op, chuyển sang mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012, tuân thủ phương thức: Tự trợ giúp, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm. Điểm mới trong điều chỉnh “chiến lược” sản xuất, kinh doanh của Phước Thắng Co.cop là chuyển từ làm dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp sang hoạt động chế biến các mặt hàng đặc trưng ở vùng núi như: Sấy chuối, măng khô, rượu chuối hột, rượu vang chuối, muối ớt… Mạnh dạn hơn, Phước Thắng Co.op còn có tham vọng đầu tư vào sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín các mặt hàng nông sản đặc thù; đồng thời, thành lập nhà hàng kinh doanh ẩm thực miền núi gồm cơm lam, thịt nướng, heo đen, gà núi, kết hợp quảng bá du lịch huyện nhà. Anh Nguyễn Trọng Kha tự tin: Hiện tại, Phước Thắng Co.op đang xúc tiến các công việc để tạo tiền đề thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh mà Nghị quyết Đại hội thành viên nhiệm kỳ II đã đề ra. Cụ thể, ký kết với các công ty lữ hành phục vụ khách đi các tour du lịch Phan Rang-thác Chapơr, Phan Rang-Vườn Quốc gia Phước Bình…

Có thể nói, sau một thời gian hoạt động cầm chừng, đến nay Phước Thắng Co.op đã tìm được hướng đi thích hợp. Chưa thể đánh giá một cách toàn diện, nhưng bước đầu Phước Thắng Co.op đã khai thác được lợi thế của khu vực miền núi. Triển vọng trong việc chế biến các mặt hàng từ chuối của Phước Thắng Co.op là rất lớn, bởi nguyên liệu đầu vào dồi dào. Bác Ái là vùng trọng điểm trồng cây chuối sứ chất lượng cao của cả tỉnh. Thời gian qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều xã đã đưa cây chuối sứ vào sản xuất trên quy mô lớn, trở thành cây trồng chủ lực, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Ngoài xã Phước Bình có nghề trồng chuối sứ phát triển mạnh, gần đây từ nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ, huyện đã hỗ trợ bà con các xã Phước Tân, Phước Thành… trồng hàng trăm ha. Sản lượng chuối ngày càng tăng, nhưng chủ yếu bán tươi cho các tiểu thương ở tỉnh Khánh Hòa, giá cả không ổn định. Việc Phước Thắng Co.op tổ chức thu mua chế biến chuối sứ, cũng như các mặt hàng nông sản đặc thù miền núi sẽ tạo được đầu ra ổn định, giúp bà con an tâm đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.