Giải khát vỉa hè có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm?

(NTO) Thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu giải khát của người dân tăng cao. Mặc dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm như: nguyên liệu không rõ nguồn gốc, quy trình chế biến không đảm bảo vệ sinh; điều kiện, cơ sở vật chất bảo quản thực phẩm không đạt tiêu chuẩn, … nhưng những quán nước giải khát vỉa hè vẫn luôn “hút khách”.

Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, nơi tập trung nhiều quán giải khát với đa dạng mặt hàng như: kem, chè, nước mía, nước dừa, nước ép trái cây, trà sữa… đáp ứng nhu cầu “giải nhiệt” của người dân. Theo ghi nhận của chúng tôi, người dân thường “tận dụng” các khu vực có vỉa hè rộng, đông xe cộ qua lại…để bán đồ uống giải khát nên dễ ô nhiễm do khói, bụi… Được bày bán ở vỉa hè, thời tiết oi bức, dụng cụ bảo quản thức uống thiếu thốn nên thực phẩm dễ bị ôi thiu, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

 
Tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP nhưng các quán giải khát vỉa hè vẫn luôn hút khách.

Tại một quán nước mía trên đường Thống Nhất, chị chủ quán đang lóc vỏ một cây mía mà phần gốc vẫn bám đầy bụi đất. Lóc vỏ xong, không cần rửa tay, chị chặt từng đoạn mía để vào một chiếc xô nhựa không che đậy, chờ có khách đến là ép. Nước mía ép xong được đựng trong chiếc bình nhựa, chủ quán không mang bao tay cứ thế nhặt đá bỏ vào cốc và mang ra cho khách. Chị chủ quán nước mía cho biết: Để mở quán giải khát vỉa hè chỉ cần một máy ép nước mía, một số loại nước tự chế như chanh dây, chanh muối, sữa đậu nành, dăm ba bộ bàn ghế là có thể thành quán. Kinh doanh vỉa hè cũng không phải làm thủ tục phức tạp, chỉ cần nộp thuế cho phường là xong. Với những “lợi thế” đó nên các quán giải khát vỉa hè “nở rộ” trong những năm gần đây.

Không chỉ không bảo đảm vệ sinh, mà nguồn gốc thực phẩm dùng để chế biến tại các quán giải khát vỉa hè cũng là vấn đề cần quan tâm. Do yếu tố lợi nhuận nên không phải quán cũng lấy thực phẩm hay chất phụ gia từ những cơ sở có uy tín. Có mặt tại quán Trà sữa trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), Chỉ với 5 ngàn đồng nhưng khách hàng có thể “vô tư” thưởng thức trà sữa với nhiều hương vị đi kèm khác nhau như: khoai môn, bạc hà, chanh dây, nho, cam, táo… Tất cả những hương vị này đều ở dạng si-rô hoặc bột đã được chế biến sẵn; chỉ cần khách yêu cầu hương vị nào là nhân viên phục vụ sẽ pha trộn vào, cộng thêm một ít thạch màu xanh, đỏ, trắng, vàng để có được cốc trà sữa đúng theo yêu cầu của khách. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết những nguyên liệu, hương vị làm trà sữa trân châu được bày bán nhiều ở chợ Phan Rang với màu sắc bắt mắt: từ hạt trà sữa, các loại si-rô, sợi dừa nhuộm phẩm xanh, đỏ đến các loại thạch đủ màu… Nhiều loại nguyên liệu, phụ gia trong số đó được đóng trong túi ni-lông hoặc được để trong hộp nhựa, không có nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng. Không riêng trà sữa mà đối với dừa ướp lạnh, vỏ trắng phau đa phần được ngâm tẩm chất tẩy trắng không rõ nguồn gốc.

Đồng chí Mai Thị Phương Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Các quán giải khát vỉa hè là một dạng của hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhằm hạn chế nguy cơ này, thời gian qua đơn vị tăng cường thanh tra, giám sát, quản lý hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, ngành Y tế đã tổ chức 148 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 4.305 cơ sở, trong đó có 373 cơ sở vi phạm. Mặc dù vậy, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng “thông thái”, lựa chọn sáng suốt thực phẩm giải khát để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và gia đình.