Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nối mạng hệ thống hồ chứa thủy lợi

(NTO) Ngày 22-6, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Thủy nông và cấp nước ( Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nối mạng hệ thống các công trình hồ chứa thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam phân tích và đánh giá tổng quan về đặc điểm lưu lượng các dòng chảy trên địa bàn tỉnh; phân vùng cấp nước, tính toán nhu cầu nước và đề xuất các phương án nối mạng cho các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Hội thảo đề xuất các giải pháp nối mạng hệ thống hồ chứa thủy lợi.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, ngoài các lưu vực thuộc vùng miền núi, hầu hết các lưu vực thuộc vùng phía Bắc và phía Nam sông Cái đều thiếu nước vào mùa khô từ tháng 1 đến tháng 6 và tháng 11, 12. Đặc biệt thiếu nhiều nhất là vùng phía Nam sông Cái. Ước tính năm 2014 thiếu 84,4 triệu m³ và đến năm 2020 thiếu khoảng 256,1 triệu m³ nước. Từ kết quả tính toán khả năng nguồn nước được kết nối mạng giữa các hồ chứa cho thấy nếu thời điểm hiện tại có các tuyến nối mạng thì có khả năng chuyển khoảng 59,7 triệu m³ từ các hồ, đập, lưu vực thừa nước sang các lưu vực thiếu nước, đáp ứng khoảng 73% lượng nước đang thiếu. Trong giai đoạn 2020- 2030 khi hệ thống công trình thủy lợi quy hoạch được hoàn thành và nếu có các tuyến nối mạng thì sẽ có khả năng chuyển khoảng 188,7 triệu m³ nước sang vùng thiếu, đáp ứng khoảng 74% lượng nước đang thiếu.

Theo đánh giá, việc nối mạng các công trình thủy lợi sẽ góp phần thúc đẩy việc bảo vệ và khai thác tài nguyên nước một cách hợp lý; đáp ứng yêu cầu sử dụng nước theo hướng đa mục tiêu, trước mắt và lâu dài trên địa bàn tỉnh; nhiều diện tích đất hoang hóa sẽ được khai thác hợp lý, đời sống nông dân sẽ được cải thiện…