Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ đến năm 2020

(NTO) Hơn 10 năm qua, tỉnh ta đã nghiêm túc thực hiện đúng quy định pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao khoa học-công nghệ (KHCN); ban hành một số cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đúng thẩm quyền, đến nay đã có những chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong giai đoạn 2006-2015, tỉnh phân bổ tổng kinh phí cho KHCN là 137,388 tỷ đồng (trong đó, sự nghiệp khoa học 102,413 tỷ đồng, chiếm 74%; đầu tư phát triển 34,975 tỷ đồng, chiếm 25%). Việc phân bổ và sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động KHCN tập trung ưu tiên cho các nhiệm vụ trọng điểm và tăng cường cơ sở vật chất, tiềm lực KHCN được quản lý tốt, sử dụng đúng mục tiêu đề ra, không đầu tư dàn trải. Theo đó, trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển KHCN, đã triển khai 99 nhiệm vụ, trong đó có 8 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 1 dự án phi chính phủ và 90 nhiệm vụ cấp tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng đã thông qua hoạt động KHCN cấp cơ sở để triển khai 3 đề án nhân rộng tiến bộ KHCN, 17 dự án nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản.

Sở Khoa học& Công nghệ hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình trồng cây măng tây xanh  đem lại hiệu quả kinh tế cao ở xã An Hải, huyện Ninh Phước.
Ảnh: Sơn Ngọc

Đối với kết quả ứng dụng, chuyển giao KHCN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh đã công nhận và chuyển giao 60 đề tài, dự án KHCN cấp tỉnh để ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt đã tích cực đưa các thành tựu nghiên cứu vào phục vụ đời sống nông dân, nông thôn. Điển hình như chế biến rượu vang nho, mứt nho quy mô hộ gia đình; mô hình canh tác giống mới; chế phẩm sinh học EM để xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi gia súc, xử lý nước ao nuôi tôm; mô hình “1 phải, 5 giảm” được nhân rộng trong thâm canh lúa, đem lại năng suất 8-9 tấn/ha, cao hơn sản xuất truyền thống từ 20-30% và lợi nhuận cũng cao hơn từ 7-12 triệu đồng/ha, đến nay đã nhân rộng lên 3.000ha; chuyển giao công nghệ sản xuất gạch Tuy-nen của Nga; nhận chuyển giao công nghệ hệ thống sản xuất muối kết tinh dài ngày, phủ bạt che mưa từ Viện Muối Thiên Tân Trung Quốc; cải tạo thiết bị lò hơi nhập khẩu từ Ấn Độ; ứng dụng dây chuyền công nghệ sản xuất đá ốp lát của Ý…

Tuy nhiên, qua hoạt động thực tiễn, các kết quả nghiên cứu KHCN chưa thương mại hóa được nhiều, chưa hình thành thị trường KHCN; công tác xã hội hóa các hoạt động KHCN chưa đạt kết quả như mong muốn; các doanh nghiệp đầu tư mở rộng, đổi mới thiết bị công nghệ và số lượng sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất vẫn ở mức thấp, chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, chưa có tính đại trà. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đều thiếu thông tin công nghệ và khả năng tài chính còn hạn chế nên năng lực cạnh tranh còn thấp; đồng thời, tỉnh còn thiếu những nhà khoa học chuyên sâu, đủ năng lực để triển khai các nhiệm vụ KHCN trọng điểm đặt ra trong từng lĩnh vực; cơ chế và năng lực đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển giai đoạn 2005-2015 chưa sát với nhu cầu thực tiễn đòi hỏi; các nhiệm vụ chưa được tổ chức thực hiện dưới dạng các chương trình KHCN với các mục tiêu trọng tâm, trọng điểm nhất định…

Triển khai nhiệm vụ phát triển KHCN đến năm 2020, tỉnh đã đề ra các chỉ tiêu: Đạt trình độ trung bình khá so với cả nước, tiềm lực KHCN đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học-kỹ thuật và công nghệ; hoạt động KHCN đóng góp cho yếu tố năng suất tổng hợp đạt khoảng 25% trong tăng trưởng kinh tế; có ít nhất 100 doanh nghiệp trong tỉnh được hỗ trợ về KHCN; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 12-15%/năm; nghiên cứu, chuyển giao quy trình cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để đưa vào sản xuất, chế biến quy mô công nghiệp đối với ít nhất 3 nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản đặc thù của tỉnh; cán bộ KHCN nghiên cứu và phát triển đạt 8 người/1 vạn dân; hỗ trợ thành lập từ 3-5 doanh nghiệp KHCN; tổng vốn toàn xã hội đầu tư cho KHCN đạt 1,5% GDP; trong đó vốn từ ngân sách đạt 1,5-2% tổng chi ngân sách vào năm 2020… Qua đó, làm cho KHCN thực sự trở thành động lực, giữ vai trò then chốt trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển kinh tế tri thức; thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, giai đoạn 2015-2020 đề ra; thực hiện hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.