Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Mô hình “Cà phê giao lưu pháp luật”

(NTO) Ngày 3-6-2016, Chủ tịch UBND tỉnh có Văn bản số 2109/UBND-NC chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện Đề án mô hình “Cà phê giao lưu pháp luật”; phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn A, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh về những hoạt động của mô hình này.

Ông Phạm Văn A
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh

Phóng viên: Xin ông cho biết nội dung hoạt động của mô hình “Cà phê giao lưu pháp luật”?

Ông Phạm Văn A: Mô hình “Cà phê giao lưu pháp luật” là loại hình hoạt động nhằm cụ thể “giờ pháp luật” theo Điều 8, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật về Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hoạt động này có tính thiết thực và có điều kiện nhân rộng để nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật do các cấp Hội và hội viên Hội Luật gia trong tỉnh thể hiện vai trò nòng cốt; phối hợp tốt với tổ chức và cá nhân trong quá trình thực hiện đề án với tinh thần thực hiện phương pháp “ba động” (chủ động, năng động và hành động).

Sự lan tỏa về hiệu quả hoạt động điểm cà phê giao lưu pháp luật có thể phát triển các hình thức liên kết, phối hợp cùng tổ chức, cá nhân, đoàn thể khác và phải bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu. Nội dung hoạt động của đề án là:

Hoạt động thông tin, trao đổi pháp luật: Là hoạt động mang tính cập nhật thông tin pháp luật; tìm hiểu và trao đổi những quy định của pháp luật. Đây là hoạt động nhằm cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật giúp cho các hội viên Hội Luật gia; những người có chuyên môn, hiểu biết pháp luật chuyên ngành và các đối tượng khác có nhu cầu tìm hiểu, trao đổi pháp luật để nâng cao nhận thức; hoàn chỉnh sự hiểu biết về những quy định pháp luật cụ thể, thiết thực. Hoạt động này do một nhóm người cùng tham gia (chủ yếu là hội viên Hội Luật gia và những người có hiểu biết chuyên môn, chuyên ngành về pháp luật) và sự giao lưu giữa các luật gia với đối tượng khác.

Kết quả đầu ra của hoạt động này giúp mọi người cập nhật kịp thời những văn bản pháp luật mới ban hành; tìm hiểu những quy định của pháp luật có liên quan đến nhu cầu trong đời sống xã hội. Hội viên, các cấp Hội Luật gia tại địa phương, cơ sở có điều kiện để giao lưu, sinh hoạt nội bộ và mở rộng giao lưu với các cá nhân có liên quan.

Hoạt động tìm hiểu, giải đáp pháp luật: Là hoạt động của những người có nhu cầu tìm hiểu những quy định cụ thể của pháp luật để định hướng hành vi ứng xử và sự giải đáp của hội viên Hội Luật gia (hoặc những người có hiểu biết về pháp luật chuyên ngành) để giúp cho những người tìm hiểu pháp luật nhận thức đúng và hành xử theo đúng quy định của pháp luật.

Kết quả đầu ra của hoạt động này là trang bị thêm kiến thức cho mọi người, từ đó nâng cao ý thức thực hành và tuân thủ pháp luật. Nội dung này là điều kiện quan trọng để phát huy dân chủ; góp phần xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao dân trí, trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức pháp luật của Nhân dân.

Hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý: Là hoạt động có tính đặc thù của hội viên Hội Luật gia là những tư vấn viên pháp luật; cộng tác viên pháp luật của Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh hoặc tư vấn viên, cộng tác viên Trung tâm Tư vấn pháp luật được Sở Tư pháp cho phép hoạt động nhằm giải quyết những nhu cầu của đối tượng.

Kết quả đầu ra của hoạt động này là sự hướng dẫn, góp ý, giải đáp từng vụ việc giúp cho đối tượng có nhu cầu định hướng về cách ứng xử đúng quy định của pháp luật. Thông qua đó, góp phần xây dựng tình cảm và niềm tin vào pháp luật của mọi người.

Những hoạt động theo mô hình “Cà phê giao lưu pháp luật” được thực hiện theo phương pháp trao đổi bằng lời nói trực tiếp giữa các bên. Trong trường hợp cần thiết cần có sự giải đáp hoặc tư vấn bằng văn bản, các hội viên Hội Luật gia (hoặc những người có thẩm quyền, có trách nhiệm tại điểm cà phê giao lưu pháp luật) chỉ được phép hướng dẫn để đối tượng có nhu cầu đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật.

Phóng viên: Như vậy, để thực hiện có hiệu quả những hoạt động trên, góp phần nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật, thì cần có điều kiện gì?

Ông Phạm Văn A: Mỗi “Điểm cà phê giao lưu pháp luật” phải có ít nhất từ 3 hội viên Hội Luật gia trở lên tham gia và tự đề cử 1 hội viên làm tổ trưởng. Việc hình thành tổ luật gia tại điểm cà phê giao lưu pháp luật là sự tự nguyện, tự thỏa thuận có tổ chức của các hội viên Hội Luật gia. Người được đề cử làm tổ trưởng có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động đến Chi hội Luật gia nơi mình công tác (các thành viên trong tổ không nhất thiết phải là hội viên cùng sinh hoạt trong một chi hội; có thể là hội viên ở đơn vị khác nhưng cùng hợp tác và tự đề cử tổ trưởng).

“Điểm cà phê giao lưu pháp luật” là cơ sở kinh doanh cà phê hợp pháp; được chủ cơ sở kinh doanh cà phê đồng thuận, tự nguyện bố trí trong khuôn viên được phép hoạt động. Mỗi cơ sở kinh doanh cà phê được chọn để thực hiện “Điểm cà phê giao lưu pháp luật” ở trung tâm Tp. Phan Rang-Tháp Chàm có quy mô ít nhất từ 30 bàn trở lên; các xã, phường ngoại ô Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và thị trấn trung tâm các huyện trong tỉnh có quy mô ít nhất từ 20 bàn trở lên; các xã khác có quy mô ít nhất từ 10 bàn trở lên.

Đối tượng tham gia giao lưu là khách hàng của cơ sở kinh doanh tại “Điểm cà phê giao lưu pháp luật” có nhu cầu; khách hàng phải là người có đủ năng lực hành vi dân sự; lịch sự và không sử dụng nước giải khát có độ cồn quá mức cho phép. Không tụ tập nhiều người gây cản trở đến hoạt động bình thường tại cơ sở kinh doanh cà phê.

“Điểm cà phê giao lưu pháp luật” hoạt động tối thiểu 2 giờ/lần/ngày trong tuần (nơi nào có điều kiện hoạt động khuyến khích tăng thời lượng, thời gian). Hội viên là cán bộ, công chức, viên chức chỉ được tổ chức và tham gia “cà phê giao lưu pháp luật” trong những ngày nghỉ (ngoài giờ hành chính). Mỗi “Điểm cà phê giao lưu pháp luật” cần ổn định địa điểm hoạt động để thuận tiện trong công tác quản lý của các cấp Hội.

Phóng viên: Ông có thể cho biết tính khả thi của Đề án mô hình “Cà phê giao lưu pháp luật”?

Ông Phạm Văn A: Mô hình “Cà phê giao lưu pháp luật” được tham khảo kinh nghiệm từ mô hình “Cà phê tư vấn pháp luật” của tỉnh Đồng Nai (năm 2014); mô hình “Cà phê tri thức pháp luật” của TP. Hồ Chí Minh (đầu năm 2016) và vận dụng tình hình thực tế tỉnh nhà. Đây là hoạt động phù hợp với mọi lứa tuổi (nhất là những người ở độ tuổi đã trưởng thành) và có thể thực hiện ở nhiều địa điểm nên sức thu hút đối tượng giao lưu nhiều hơn, rộng hơn. Hoạt động theo mô hình này là hoạt động miễn phí do hội viên các cấp của Hội Luật gia thực hiện và đã được tập huấn về kỹ năng cũng như sự tích lũy về kinh nghiệm nên có thể đáp ứng kịp thời các yêu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân. Với tinh thần chủ động và sáng tạo, với sự nhiệt tình của các cấp hội và hội viên Hội Luật gia; sự đồng thuận của xã hội, hy vọng hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật từ mô hình này sẽ có những khởi sắc mới, sinh động và thiết thực tại địa phương, cơ sở …

Phóng viên: Cảm ơn ông và mong muốn mô hình “Cà phê giao lưu pháp luật” sẽ có hiệu quả tốt để góp phần nâng cao ý thức và sự tuân theo pháp luật như mục tiêu, yêu cầu của đề án.