Liên kết trong sản xuất nông nghiệp: Xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập

(NTO) Bước chuyển biến tích cực trong nhận thức của nông dân tỉnh ta gần đây đó là mở rộng liên kết với doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Người đi tiên phong tham gia mô hình liên kết Tổ hợp tác sản xuất nho xanh với Công ty TNHH Đỉnh Lợi là anh Đào Mạnh Tiệp (xã Xuân Hải, Ninh Hải). Quyết định mở rộng hợp tác làm ăn của anh là muốn thoát vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. “Trong xu thế hội nhập hiện nay, nông dân phải chủ động hợp tác chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng, thương hiệu mạnh, chứ không thể tự cô lập mình như trước” - anh Tiệp bộc bạch. Thực tế, vụ đầu sản xuất thử nghiệm 3 sào nho xanh cách đây một năm, anh Tiệp được Công ty hướng dẫn canh tác theo quy trình VietGAP, thu lãi hơn 300 triệu đồng, đến nay vườn nho sạch của anh đã được mở rộng lên 1,5ha.

 

Nông dân xã Xuân Hải (Ninh Hải) liên kết với doanh nghiệp trồng nho sạch.

Xuân Hải là xã có lợi thế phát triển nho xanh nhờ thổ nhưỡng thích hợp. Giá trị kinh tế của nho xanh cao, được người tiêu dùng ưa thích, nên một số doanh nghiệp không ngần ngại “đổ vốn” tiếp sức cho nông dân sản xuất. Ông Nguyễn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Đỉnh Lợi, cho biết: Công ty đã hợp tác với 50 hộ trồng nho xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, hướng dẫn quy trình sản xuất, công ty còn cam kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ với giá bình quân từ 30.000-35.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với sản phẩm trồng theo phương thức truyền thống.

Không riêng gì ở Xuân Hải, các hộ trồng nho ở phường Văn Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn), thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải)… cũng đã thực hiện các mô hình liên kết, hình thành vùng sản xuất nho tập trung rộng hàng trăm ha. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Hiện trên toàn tỉnh có 100 nhóm liên kết sản xuất nho sạch cam kết sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón vi sinh thay thế phân hóa học, đã nâng cao được năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần giữ vững thương hiệu nho Ninh Thuận. Hoạt động liên kết sản xuất đang ngày càng khắng khít, mở ra triển vọng mới cho nghề trồng nho ở tỉnh ta”. Không dừng ở đó, vụ đông-xuân 2015-2016, nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) đã liên kết với Công ty Lương thực Lâm Đồng trồng 20ha nho rượu. Đồng chí Nguyễn Thành Khải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn, cho biết: Nhờ có sự đầu tư của doanh nghiệp, xã đã đưa được đối tượng cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, thay thế cây thuốc lá trước đây.

Nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực đầu tư có tính rủi ro cao, chậm thu hồi vốn, khiến một số doanh nghiệp chưa “mặn mà” tham gia vào lĩnh vực này. Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, tỉnh đã ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, qua đó đã hình thành mô hình liên kết, quy mô lớn theo chuỗi giá trị. Không riêng gì trồng nho, các doanh nghiệp còn liên kết với nông dân sản xuất giống cây trồng. Tiêu biểu như Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, mỗi vụ hợp đồng với nông dân trên toàn tỉnh sản xuất khoảng 200ha bắp giống, 100ha lúa giống. Tuy vậy, chương trình liên kết đang gặp khó khăn do hạn chế trong nhận thức của nông dân. Ở nhiều địa phương hiện nay diện tích sản xuất manh mún, gây trở ngại lớn cho việc phát triển, mở rộng quy mô sản xuất và áp dụng kỹ thuật tiên tiến. Mặt khác, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chậm được triển khai thực hiện, nhất là lĩnh vực ưu đãi thuê đất.

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, ngày 17-8-2015, UBND tỉnh ra Quyết định 52/QĐ-UBND về một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế, nguồn lực để tạo sức hút mạnh mẽ hơn. Quyết định này quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và cơ sở chế biến, bảo quản các sản phẩm đặc thù của tỉnh, tạo bước “đột phá” trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.