Vấn đề hôm nay:

Đừng “thả nổi” cho nông dân!

(NTO) Những năm qua, mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong tỉnh nhằm tận dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là áp dụng hiệu quả tiến bộ kỹ thuật, gắn khoa học với sản xuất nông nghiệp, tăng cường sự liên kết hỗ trợ giữa các doanh nghiệp với nông dân hướng vào mục tiêu, đối tượng chung là phục vụ sản xuất nông nghiệp…đã ngày càng được chú trọng.

Tuy nhiên, việc liên kết chưa đạt được kết quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chính là các tác nhân trong liên kết chưa tìm được tiếng nói chung. Không đâu xa, ngay trong thời điểm hạn hán ngày càng gay gắt, thiếu nước tưới cho cây trồng, nhất là lúa…thì việc chuyển đổi sang các cây trồng ít sử dụng nước được xem là giải pháp tối ưu nhất. Theo kế hoạch của ngành Nông nghiệp, trong vụ đông- xuân này toàn tỉnh sẽ chuyển 1.196 ha, trong số này chuyển từ đất lúa 933 ha, đất màu 263ha và 3 cây trồng chủ lực được chọn trồng là đậu xanh, bắp, cỏ chăn nuôi. Riêng diện tích đậu xanh gần 890 ha, nhiều nhất là huyện Thuận Nam 375 ha, Thuận Bắc 232 ha; thấp nhất là Ninh Hải chỉ có 15 ha.

Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) chuyển dịch từ ruộng lúa sang trồng bắp lai ít sử dụng nước tưới
trong vụ đông- xuân 2015- 2016. Ảnh: Sơn Ngọc

Nếu thực hiện đúng theo kế hoạch nêu trên, với năng suất bình quân 2 tấn/ha thì nông dân toàn tỉnh sẽ thu hoạch đạt sản lượng gần 1.780 tấn đậu xanh. Có thể nói, so với nhiều cây trồng khác, toàn bộ chi phí “đầu vào” để sản xuất đậu xanh thấp nhưng nỗi lo canh cánh của không ít nông hộ là “đầu ra” ở đâu, giá cả ra sao vẫn chưa biết!.

Thực ra, đây không phải là vấn đề mới bởi trên địa bàn tỉnh phần lớn các doanh nghiệp còn chưa mặn mà trong việc liên kết với người sản xuất do rủi ro cao, chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo “thuận mua vừa bán”. Tình trạng tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian phân phối nên giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất, sức cạnh tranh chưa cao, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Ngay cả người sản xuất tại địa phương cũng thiếu sự liên kết để hỗ trợ từ sản xuất đến tiêu thụ…Chính từ sự “đơn độc” này đã dẫn đến nhiều hệ lụy, rõ nhất là tình trạng ép giá, ép cấp khi bán sản phẩm là thường xuyên…

Đừng “thả nổi” cho nông dân nhất là trong tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm có thu nhập sau khi trừ mọi chi phí là yêu cầu tha thiết của nhiều nông hộ trong mùa nắng hạn này. Muốn vậy, thiết nghĩ ngành chức năng cần gắn việc chuyển đổi, chọn cây trồng, định hướng sản xuất…với giúp tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hay nói khác hơn, cần tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, có như vậy mới bảo đảm tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, trong đó vai trò của doanh nghiệp làm trung tâm phân phối là chủ đạo để chuỗi giá trị nông sản phát triển bền vững…