Nông dân Ninh Sơn tập trung chăm sóc đàn gia súc

(NTO) Huyện Ninh Sơn có tổng đàn gia súc có sừng trên 35.500 con; trong đó, đàn trâu, bò trên 13.400 con; dê, cừu 18.800 con. Trước tình hình nắng hạn kéo dài như hiện nay, lượng nước tại các hồ, đập trên địa bàn huyện đã khô cạn, nên việc chăn nuôi của nông dân đang đối mặt với khó khăn do thiếu nguồn thức ăn.

Anh Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, cho biết: Để duy trì và phát triển đàn gia súc trong điều kiện nắng hạn, địa phương đã tăng cường công tác vận động nông dân đào ao dự trữ nước; tận dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện cho những hộ chăn nuôi mở rộng và phát triển diện tích trồng cỏ, đảm bảo thức ăn cho gia súc. Tính đến thời điểm hiện nay, nông dân trong huyện đã chủ động chuyển đổi những vùng đất không chủ động nguồn nước tưới sang trồng cỏ được gần 185ha nên cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thức ăn và duy trì được đàn gia súc trong mùa nắng hạn.

 

Anh Nguyễn Văn Ba chủ động đào ao, trồng cỏ đảm bảo nguồn nước uống
và thức ăn cho đàn bò của gia đình.

Anh Nguyễn Văn Ba (thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn) là nông dân tiêu biểu ở địa phương trong việc nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn vượt qua hạn hán, đảm bảo cho đàn gia súc có thức ăn và nước uống. Anh Ba cho biết: “Để duy trì đàn bò 9 con, đầu năm 2015, gia đình bán 2 con để lấy tiền đào ao trữ nước và thuê 1 sào đất trồng cỏ. Nhờ chủ động nguồn thức ăn, nên đàn bò phát triển tốt trong những tháng mùa khô”. Không chỉ có anh Nguyễn Văn Ba mà còn có rất nhiều nông dân bằng sự nỗ lực vượt khó, với nhiều cách làm hiệu quả nên đàn gia súc của địa phương tiếp tục phát triển.

Ngoài sự nỗ lực của nông dân, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc kịp thời, giúp nông dân vượt qua khó khăn, giảm thiệt hại trong chăn nuôi. Năm 2015, UBND huyện đã trích 500 triệu đồng từ nguồn kinh phí dự phòng đào 6 ao, hồ trữ nước cho đàn gia súc tại các khu vực khô hạn trọng điểm như Nha Húi (xã Mỹ Sơn), Suối Mây (xã Quảng Sơn) và khu vực Sông Dầu (xã Hòa Sơn). Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng đã triển khai mô hình “Ủ chua thức ăn” trong chăn nuôi bò, nhằm tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp từ rơm, thân cây mỳ, bắp… để chế biến làm thức ăn cho gia súc, tăng hàm lượng dinh dưỡng; tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc nhằm phát hiện, xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.