Qua 2 năm thực hiện Đề án Thông tin, truyền thông về phát triển điện hạt nhân

(NTO) Phát triển điện hạt nhân (ĐHN) là lĩnh vực mới. Sự hiểu biết về ĐHN của nhân dân trong tỉnh, nhất là các hộ dân trong vùng thực hiện Dự án Nhà máy ĐHN chưa đầy đủ, nên rất dễ có tâm lý dao động trước các luồng dư luận thất thiệt.

Để người dân hiểu rõ về vai trò và sự cần thiết của ĐNH, ngày 28-2-2013, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 370-QĐ/CP phê duyệt Đề án Thông tin, truyền thông về phát triển ĐHN ở Việt Nam đến năm 2020 (Đề án 370). Qua 2 năm thực hiện, bước đầu đã tạo được sự đồng thuận của công chúng trong việc triển khai thành công Dự án ĐHN ở tỉnh ta.

Hội thảo Phát triển điện hạt nhân và trách nhiệm an toàn của các bên liên quan
tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh (tháng 12-2015). Ảnh: Anh Tuấn

Động thái tích cực của hoạt động này là ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 370, tỉnh đã ban hành một số văn bản chỉ đạo ngành chức năng tổ chức thực hiện. Cụ thể như Kế hoạch số 1488/KH-UBND ngày 10-4-2013 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 7-11-2011 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác tuyên truyền, triển khai Dự án ĐHN Ninh Thuận tạo được chuyển biến tích cực. Liên tục từ năm 2013 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn thông tin về phát triển ĐHN, đã trang bị kiến thức cơ bản cho đội ngũ tuyên truyền viên hoạt động và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thực hiện chức năng của mình, Tiểu Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động di dân, tái định cư các Nhà máy ĐHN Ninh Thuận đã xây dựng nội dung “Sổ tay tuyên truyền ĐHN” (dạng hỏi-đáp) phổ biến đến tận người dân. Tính đến nay, có 300 cuốn “Cẩm nang ĐHN” phân phát cho các xã Phước Dinh, Phước Diêm (Thuận Nam); Thanh Hải, Nhơn Hải, Vĩnh Hải, Tri Hải (Ninh Hải). Điểm mới thể hiện sự linh động trong công tác tuyên truyền vai trò của phát triển ĐHN trong bối cảnh hiện nay là các đơn vị chức năng lồng ghép phổ biến cơ chế đặc thù về chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư Dự án ĐHN Ninh Thuận theo Quyết định số 1504/QĐ-TTg ngày 28-8-2013 của Chính phủ, nên đa phần người dân đã nhận thức được việc triển khai xây dựng Nhà máy ĐHN là “ích nước lợi nhà”, từ đó đồng thuận cao.

Đánh giá về vai trò của thông tin, tuyên truyền phát triển ĐHN, đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, cho rằng: Sự chấp thuận của công chúng đối với chương trình ĐHN là kết quả lớn nhất mà hoạt động tuyên truyền trong thời gian qua đã đạt được. Chính nhờ có sự đồng thuận của người dân, nên chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh đã triển khai được một số công việc nhằm chuẩn bị cho hình thành Dự án ĐHN. Đến cuối năm 2015, đã công bố “phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tái định canh”. Cụ thể, Khu tái định cư Nhà máy ĐHN 1, diện tích lập dự án là 43,67ha, với 202 hộ/741 nhân khẩu thuộc diện di dời; Khu tái định cư Nhà máy ĐHN 2, diện tích lập dự án khoảng 45ha, có 698 hộ/2.422 khẩu thuộc diện di dời. Dự kiến, đến cuối năm nay sẽ hoàn thành công tác giải phóng và nhận bàn giao toàn bộ mặt bằng để xây dựng các khu tái định cư và đến năm 2019 tổ chức di dời dân đến nơi ở mới bàn giao mặt bằng thực hiện xây dựng các Nhà máy ĐHN.

Nói về kinh nghiệm làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền phát triển ĐHN, đồng chí Lê Kim Hùng chia sẻ: Việc thông tin kịp thời, thường xuyên, minh bạch là yếu tố cơ bản tạo niềm tin cho công chúng. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền cần xác định đặc điểm của từng nhóm đối tượng để xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp. Điều quan trọng nữa là để công chúng hiểu và có thái độ tích cực đối với ĐHN thì người làm công tác truyền thông phải có năng lực xử lý thông tin, cũng như đưa ra phương thức truyền thông kết hợp với tham quan thực tế để tạo được độ tin cậy của công chúng về sự an toàn của Dự án ĐHN. Trong quá trình tuyên truyền, các cơ quan truyền thông chú trọng thu thập các ý kiến đóng góp, phản hồi của công chúng.

Tỉnh ta xác định công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển ĐHN là nhiệm vụ quan trọng cần được tiến hành một cách hệ thống nhằm tạo nhận thức đúng đắn, sự đồng thuận cao của công chúng. Thời gian tới, thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của công tác thông tin, tuyên truyền phải đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội. Công tác thông tin, tuyên truyền tập trung vào xây dựng chương trình phát thanh về những vấn đề có tính thời sự các chủ trương của Đảng, chiến lược, cơ chế của Nhà nước, đặc điểm, tính chất và lợi ích kinh tế-xã hội của ĐHN; đồng thời, thực hiện chương trình phổ biến kiến thức cơ bản về năng lượng nguyên tử và ĐHN trong các trường học.